Nên “bêu tên” người xả rác, tiểu bậy?

(PLO) - Mới đây, tại cuộc họp triển khai Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ “Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” do Sở TN&MT TP HCM tổ chức, đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường TP HCM (PC 49) đã đề xuất xử phạt hành vi xả rác, tiểu bậy thông qua phương thức răn đe là đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nên “bêu tên” người  xả rác, tiểu bậy?

Đáng nói, ý tưởng “bêu tên” người vi phạm không phải quá mới. Nhưng xung quanh đề xuất trên, không ít ý kiến trái chiều cho rằng khó thực thi và có nhiều dấu hiệu vi phạm quyền cá nhân của người dân. 

Sự quyết liệt cần thiết

Theo đó, đại diện của PC 49 cho rằng, để bảo vệ môi trường thành phố cũng như để người dân có ý thức chấp hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì các ban, ngành cần triển khai quyết liệt ngay và làm thật mạnh, thật quyết tâm. “Cần thiết khi có tang chứng, vật chứng, hình ảnh thì cứ cho báo chí đăng tải. Làm như thế sẽ có tính răn đe cao, người vi phạm biết e ngại sẽ chấp hành, người dân cũng nhìn vào đó mà ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường” – đại diện PC 49 nêu quan điểm.

Trong khi TP HCM đang tìm phương hướng thực thi thì hiện nhiều khu vực trên địa bàn TP Hà Nội đã bước đầu bắt tay triển khai quyết liệt công tác xử phạt hành vi xả rác, tiểu bậy. Cụ thể, sáng 10/2, Đội Cảnh sát môi trường phát hiện 3 trường hợp có hành vi tiểu bậy tại khu vực ven đường Trần Thủ Độ, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai). Các trinh sát hóa trang đã ghi lại toàn bộ hành vi tiểu tiện ngoài đường của 3 thanh niên này, báo cho lực lượng công khai và Công an phường Hoàng Liệt đến xử lý. Mức phạt hành chính đối với 3 trường hợp này là 2 triệu đồng/người.

Tại phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) theo thống kê, từ ngày 25/2 đến nay, lực lượng chức năng đã xử phạt 62 triệu đồng đối với 21 trường hợp vi phạm. Trong đó, chủ yếu là xả nước thải, xả rác ra đường, để rác làm bẩn khu vực hè phố và làm rơi vật liệu xây dựng ra đường. Đáng chú ý, trong quá trình tuần tra xử lý, UBND phường đã phát hiện bắt quả tang 2 trường hợp tiểu bậy không đúng nơi quy định và ra quyết định xử phạt 4 triệu đồng đối với 2 trường hợp trên.

Thực tế đã chứng minh, căn chỉnh bất cứ thói quen nào liên quan đến ý thức, thói quen của con người đều không hề đơn giản. Minh chứng dễ thấy là trong quá khứ, không ít quy định pháp luật đã có nhưng lỏng lẻo trong việc thực thi dẫn đến nhờn luật. Và để giải quyết tình trạng xả rác, tiểu bậy nơi công cộng cần giải pháp vào cuộc rốt ráo như hiện tại.

Nhưng cần cẩn trọng

Có thể khẳng định, hiện nay việc vứt rác bừa bãi và tiểu bậy đối với một số người đã trở thành một thói quen khó thay đổi. Không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh những người đàn ông dàn hàng ngang hai bên quốc lộ, các tuyến đường hoặc ngay ở phố trong đô thị để phóng uế. Đây là những hành vi gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. 

Việc quy định mức phạt tiền cao được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết được tình trạng xả rác nơi công cộng. Tuy nhiên, bên cạnh việc xử phạt thì đề xuất “bêu tên” người vi phạm đã và đang gây ra không ít tranh cãi. Theo nhà văn hóa Ngô Đức Thịnh, việc đưa tên tuổi, quê quán, địa chỉ làm việc của người vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng cũng là một ý kiến nên xem xét. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng bởi đây là vấn đề rất nhạy cảm.

Nhà xã hội học Nguyễn Đình Tấn cho rằng, sáng kiến này khó thực hiện. Theo đó, việc đăng tải thông tin người vi phạm lên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo đài, truyền hình… sẽ đem lại rất nhiều hệ lụy. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới danh dự, nhân phẩm của mỗi người. Đồng quan điểm, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng, mặc dù chế tài xử phạt hiện đã khá rõ ràng song đề xuất “bêu tên” người vi phạm khó áp dụng vào thực tế.

 Vị luật sư này cho rằng, không nên bêu tên người có hành vi thiếu vệ sinh nơi công cộng lên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi họ - người vi phạm chỉ mới vi phạm ở mức độ hành chính, không thể cho họ lên mức hình sự để có thể bêu tên lên báo đài hay truyền hình. 

Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều biện pháp tích cực, thiết thực để bảo vệ môi trường, vì thành phố “xanh - sạch - đẹp”. Bởi vậy, ngoài biện pháp phạt tiền thiết nghĩ cần tính đến những biện pháp khác như buộc người vi phạm phải thực hiện lao động công ích, thực hiện việc khắc phục hành vi xả rác thải ra môi trường... nếu không có khả năng đóng tiền phạt. 

Trên thực tế, đã có nhiều địa phương sáng kiến phương hướng xử lý dạng vi phạm này khá hiệu quả. Ví dụ, để “quét” tình trạng xả rác bừa bãi trên đường, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP HCM đã kêu gọi người dân mạnh dạn phối hợp trình báo khi phát hiện đối tượng vi phạm. Mỗi trường hợp trình báo và xử phạt người dân sẽ được phường thưởng nóng 500.000 đồng/vụ. Theo thống kê, trong năm 2016, UBND phường đã nhận được tin báo của người dân, tự phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 13 trường hợp với hành vi đổ rác không đúng quy định, tổng số tiền phạt gần 20 triệu đồng.

Không dễ một sớm một chiều là có thể giải quyết dứt điểm câu chuyện rác và vấn đề môi sinh, môi trường, bởi vậy để cải thiện chất lượng môi trường ở các thành phố lớn như Hà Nội và  TP HCM thì cần đồng bộ nhiều giải pháp. Việc tăng mức phạt là một biện pháp hữu hiệu cần thiết nhưng dù có chế tài mạnh, đủ sức răn đe đối với hành vi tiểu bậy, xả rác bừa bãi nơi công cộng thì vẫn cần sự đồng thuận từ phía người dân và công tác tuyên truyền trong thời gian tới là hết sức quan trọng. 

Đọc thêm