Ngân hàng lên tiếng trước nguy cơ “xóa sổ” hàng triệu tài khoản

(PLO) -Trước việc dư luận quan ngại về việc thực hiện quy định tại Thông tư số 32/2016/TT-NHNN đối với việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán của các tổ chức không có tư cách pháp nhân, phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã chính thức lên tiếng. 
Giao dịch tại ngân hàng - ảnh minh họa
Giao dịch tại ngân hàng - ảnh minh họa

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, cần phải xem xét thận trọng lại quy định này, đảm bảo thực hiện không được hồi tố dẫn đến có thể xóa sổ hàng triệu tài khoản ngân hàng hiện nay.

Hoàn thành chuyển đổi trong 12 tháng

Thông tư 32 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHHH hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có hiệu lực từ ngày 1/3/2017. 

Theo đó, đối tượng mở tài khoản thanh toán là cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gồm người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam; người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ) và tổ chức là pháp nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Như vậy, Thông tư 32 đã khẳng định các tổ chức không có tư cách pháp nhân không thuộc đối tượng được mở tài khoản thanh toán. Tuy nhiên, là thực tế tồn tại rất nhiều các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân trước khi Thông tư 32 có hiệu lực thi hành. Để hạn chế xáo trộn trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán, Thông tư 32 đã có hướng dẫn quy định trình tự, thủ tục thực hiện việc xử lý chuyển tiếp đối với các tài khoản thanh toán này.

Cụ thể, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm rà soát hồ sơ, hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được mở trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành và thực hiện. Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Thông tư 32 có hiệu lực, phải thông báo cho khách hàng biết về việc chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung. 

Trong vòng 12 tháng kể từ ngày Thông tư 32 có hiệu lực thi hành, phối hợp với khách hàng hoàn thành việc thực hiện ký lại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán để chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản (nếu khách hàng có yêu cầu). 

Sau 12 tháng kể từ ngày Thông tư 32 có hiệu lực thi hành, thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản.

Phù hợp với tinh thần của Bộ luật Dân sự 2015

Lý giải về những quy định trên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Hoàng Tuyết Minh cho biết: Đây là Thông tư ban hành sau khi Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự 2015. Theo quy định tại Điều 1 Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017), chủ thể của quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân. Do đó, Thông tư 32 được xây dựng trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về chủ thể trong quan hệ dân sự.

Đối với các tổ chức không có tư cách pháp nhân, theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, không phải là chủ thể của quan hệ dân sự, do đó, không đủ điều kiện tham gia quan hệ mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. 

Có thể nói quy định về đối tượng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại Thông tư 32 là hoàn toàn phù hợp với quy định về chủ thể của quan hệ dân sự trong Bộ luật Dân sự 2015. "Chúng tôi cho rằng quy định này là cần thiết, hạn chế rủi ro cho các bên, bảo đảm các giao dịch mở, sử dụng tài khoản không bị vô hiệu do vi phạm quy định về chủ thể theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015" - bà Minh nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chuyển đổi theo quy định tại Thông tư 32 là cần thiết và phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015. Việc chuyển đổi này sẽ không quá phức tạp, nhưng cần có hướng dẫn cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân để họ hiểu, áp dụng theo đúng quy định của NHNN. 

Ngoài ra, kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư 32 cần thiết phải rõ ràng và đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan. Đồng thời, nên có thêm thời gian để thực hiện thay vì quá ngắn như trong Thông tư 32.

Tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình triển khai Bộ luật Dân sự 2015 do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, đa số ý kiến cho rằng cách hiểu về chủ thể được mở tài khoản như trên có phần thiếu linh hoạt. 

Bộ luật Dân sự 2015 đề cập đến việc trong quan hệ pháp luật dân sự, có thể có các nhóm cá nhân, tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia. Điều 101 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ: "trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia...". 

Tuy nhiên, việc tham gia này phải được thực hiện thông qua các cá nhân thành viên (hoặc đại diện theo ủy quyền). Cần hiểu quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về chủ thể quan hệ dân sự xét cho cùng là nhằm mục đích đảm bảo rằng trong mọi giao dịch dân sự đều phải xác định được chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý phát sinh (bên cạnh quyền). 

Do đó, theo nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, vấn đề quan trọng là phải xác định ai là thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư... Bởi thế, rất cần Bộ Tư pháp và NHNN xem xét quy định trên một cách thận trọng, phù hợp với tinh thần của Bộ luật Dân sự 2015.

Đọc thêm