Nhà nước quản... chiến lược phát triển của doanh nghiệp

(PLO) - Không phải chỉ đến khi Bộ Công Thương đưa ra quy định về “khuyến mại 3 lần/năm” trong Dự thảo Nghị định về phát triển hạ tầng thương mại Việt Nam mới gây “sóng” dư luận. Trước đấy, những quy định về khuyến mãi của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khiến người tiêu dùng bức xúc. Đến khi nào cơ quan quản lý nhà nước mới dừng việc can thiệp vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp?
Các siêu thị sẽ lại được thực hiện các chương trình khuyến mại lên đến 100% giá trị sản phẩm.
Các siêu thị sẽ lại được thực hiện các chương trình khuyến mại lên đến 100% giá trị sản phẩm.

Can thiệp “quyền cảm ơn” của doanh nghiệp?!

Trong một lần trao đổi mới đây giữa Báo PLVN và các siêu thị lớn, lãnh đạo các siêu thị đều khẳng định, các chương trình khuyến mãi được thực hiện đều có mục đích, mục tiêu rõ ràng. Khi thì theo các chương trình chào hàng sản phẩm mới, khi thì giải quyết hàng tồn kho, lúc lại chạy doanh số cho một mặt hàng nào đấy hoặc thậm chí đây được xem như một hoạt động mang tính chất cảm ơn người tiêu dùng. Đại diện Saigon Coop cho rằng, các chương trình khuyến mại và khuyến mại theo hình thức như thế nào là quyền của các doanh nghiệp (DN), Bộ Công Thương không thể can thiệp. 

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan quản lý nhà nước quyết định can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN. Trước đấy, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã có những chính sách về khuyến mãi nạp thẻ cào điện thoại. Cụ thể, ban đầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ khuyến mãi 100%, tức là mỗi lần có chương trình khuyến mãi, các thẻ cào sẽ được nhân đôi mệnh giá. 

Nhưng sau đó, Bộ TT&TT đã đưa ra quyết định can thiệp trực tiếp vào quyền quyết định kinh doanh của DN bằng Thông tư số 11/2010/TT-BTTTT. Nội dung Thông tư này quy định hoạt động khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động. Theo đó, khoản 3 Điều 8 quy định, giá bán thẻ nạp tiền khi khuyến mãi không được vượt quá 50% mệnh giá. Mới đây, bằng Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT, Bộ TT&TT lại quy định tổng giá trị tối đa dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại cho thuê bao dịch vụ thông tin di động trả trước không được vượt quá 20% tổng giá trị của dịch vụ thông tin di động.

Như vậy, trong 7 năm, với tư cách Bộ chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông, Bộ TT&TT đã khiến quyền lợi của người dùng thiệt hại khi quyết định mức khuyến mãi của các dịch vụ nạp thẻ cào nói riêng, các dịch vụ về viễn thông nói chung do các DN cung cấp. Tất nhiên, quyết định này khiến người tiêu dùng bức xúc, các nhà mạng cũng bị ảnh hưởng trầm trọng doanh thu trong các lần tổ chức các đợt khuyến mãi sau khi Thông tư có hiệu lực. 

Trước đấy, Luật Thương mại 2005 và nghị định hướng dẫn (Nghị định 37/2006/NĐ-CP) cũng quy định DN không được khuyến mãi bằng hình thức giảm giá vượt quá 50% giá bán sản phẩm. Theo ý kiến của nhiều DN, trong thời gian thực hiện, quy định này đã gây cản trở không nhỏ đến kết quả kinh doanh của nhà sản xuất và nhà bán lẻ (siêu thị, trung tâm điện máy, nội thất...).

Trước khi có quy định này, nhà sản xuất và nhà bán lẻ có thể khuyến mãi lên đến 70-80% giá trị sản phẩm nhưng kể từ khi có nghị định nêu trên, các chương trình khuyến mãi buộc phải tuân thủ “room” tối đa giảm giá, không vượt quá 50% giá trị sản phẩm. Lý do được đưa ra là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh các trường hợp DN và siêu thị tự nâng giá lên rồi tiến hành hạ giá “khủng” và gọi đó là chương trình khuyến mãi.

Cần quản “khuyến mãi thật” 

Kể từ thời điểm 2006, các chương trình khuyến mãi buộc phải đưa vào khuôn khổ. Trong khi đó, đa phần DN đều cho rằng, khi tiến hành các chương trình khuyến mãi khủng, giảm giá lớn, đến 70% giá trị sản phẩm đều là các sản phẩm đã hết size (cỡ), hết số, là các mặt hàng hết “mode” và đó là lúc thu hồi vốn để tính... lãi nên chuyện giảm giá 70% là bình thường. 

Phía khách hàng thì cho rằng, việc các DN, siêu thị nâng giá lên rồi giảm giá với hình thức “khủng” lên đến 70% vẫn xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều cửa hàng nhưng cũng có những đơn vị thực hiện thật sự mức khuyến mãi khủng kia. Do đó, thay vì quản “chỉ được khuyến mãi giảm giá 50% giá trị sản phẩm”, các cơ quan quản lý nhà nước nên đưa ra các biện pháp quản “khuyến mãi thật” hơn là quan tâm đến giá trị của mặt hàng khuyến mãi. Bởi, thực hiện các chương trình khuyến mãi luôn là chiến lược và kế hoạch kinh doanh của DN. Họ sẽ luôn phải căn cứ vào nhu cầu và mục tiêu của mình để áp dụng các chương trình khuyến mãi cho phù hợp. 

Sau hơn 10 năm bị “áp” quy định trần khuyến mãi, quy định này đã chuẩn bị được dỡ bỏ. Cụ thể, theo Nghị định 81/2018, DN tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung có thể áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa và dịch vụ dùng để khuyến mãi là 100%, thay vì 50% như trước đây, kể từ ngày 15/7/2018. 

Đại diện Saigon Co.op cho biết, Nghị định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các siêu thị có thể chủ động với các nhóm hàng mang tính thời vụ như hàng may mặc thời trang, hàng công nghệ vốn có đặc tính mẫu mã liên tục thay đổi, dễ dàng áp dụng khuyến mãi khủng khi có nhu cầu giải phóng tồn kho. Khi Nghị định này chính thức có hiệu lực, DN sẽ chủ động cân đối để tự đưa ra các chương trình giảm giá cạnh tranh nhất có thể, từ đó sẽ có lợi cho người tiêu dùng. 

Đặc biệt, Nghị định cũng rất sâu sát khi quy định rõ là không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa 100% khi thực hiện khuyến mãi giảm giá cho các nhóm hàng bình ổn giá, nhóm hàng thực phẩm tươi sống. Bởi hai nhóm này thuộc nhóm nhu yếu nhạy cảm, cần linh hoạt điều tiết theo nhu cầu thị trường tại từng thời điểm nhất định.

Tuy nhiên, Nghị định cũng vướng phải một rào cản, vẫn mang nặng cơ chế xin - cho khi các chương trình này khuyến mại 100% này phải do cơ quan nhà nước chủ trì tổ chức trong một khoảng thời gian xác định (theo giờ, ngày, tuần, tháng…). 

Các quy định về trần khuyến mãi đã được dỡ bỏ nhưng đi kèm với đó là những điều khoản liên quan khác mà nhiều DN cho rằng sẽ khó có thể thực hiện được. Đại diện Saigon Coop cho rằng, việc dỡ bỏ mức trần 50% là hợp lý (nếu thật sự áp dụng tất cả DN, tất cả thời điểm) nhưng vị này cũng băn khoăn bởi theo nghị định mới, việc áp dụng khuyến mãi 100% phải do cơ quan nhà nước chủ trì. 

Cơ quan nhà nước sẽ tiến hành chủ trì theo hình thức nào, quản lý các đơn vị thực hiện các chương trình khuyến mại ra sao? Có cách nào để kiểm soát các hiện trạng nâng giá, khuyến mãi ảo như đã từng được đề cập trước đây? Và Nhà nước có biện pháp nào để quản chất lượng hàng khuyến mãi, trong trường hợp các DN được phép tổ chức khuyến mãi khủng, tránh trương hợp DN thực hiện chương trình này lấy hàng kém chất lượng hoặc nâng giá lên rồi hạ giá xuống để khuyến mãi ảo?

Nhiều DN cũng đánh giá, việc xóa “trần” khuyến mãi đã tạo thêm sự thông thoáng cho DN sản xuất, người kinh doanh song đặt ra yêu cầu cho các cơ quan quản lý cần có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ hơn với những chiêu khuyến mại ảo. Điều này vẫn luôn là băn khoăn của người tiêu dùng và những DN thực hiện các chương trình khuyến mãi thực chất. Và đây mới là chức trách, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, đây mới là phần việc cần cơ quan quản lý nhà nước quản lý thật chặt chẽ bằng các khuôn khổ pháp lý và quy định cụ thể. 

Đọc thêm