Quảng bá du lịch Việt Nam - “Hẻo” chi phí, nhạt nội dung

(PLO) - Nhiều người ví quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam chỉ như người đi bộ trong khi các nước láng giềng đã phóng ào ào... xe máy, ô tô. Do đó, du lịch Việt Nam bị “tụt hậu”, “mướt mồ hôi” chạy theo các nước láng giềng là điều dễ nhận ra.  
Xúc tiến, quảng bá du lịch còn nhạt nhòa
Xúc tiến, quảng bá du lịch còn nhạt nhòa

“Đi bộ” để quảng bá du lịch!

Mặc dù mới đây Việt Nam đã chú trọng hơn trong phát triển du lịch để hút khách du lịch quốc tế nhưng khoản đầu tư vào lĩnh vực này vẫn kém xa so với các nước khác trong khu vực. Tại Hội nghị Xúc tiến Du lịch năm 2017 ngày 3/8 tại Hà Nội, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch thẳng thắn cho biết: “Ngân sách khoảng 2 triệu USD/năm dành cho quảng bá xúc tiến quá khiêm tốn, trong khi Thái Lan dành 69 triệu USD, Indonesia 200 triệu USD. Đây là mức rất thấp so với các nước ASEAN. Vì đầu tư rất lớn quảng bá du lịch trên thế giới, dễ hiểu tại sao Thái Lan, Singpore, Malaysia hiện đang dẫn đầu về lượng khách du lịch quốc tế trong khu vực Đông Nam Á”. 

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói: “Số tiền 2 triệu USD chỉ gọi là dạo chơi trong xúc tiến chứ làm sao nói làm xúc tiến được, cho nên hội chợ, hội nghị chúng ta đều be bé con con, vô cùng gian khổ, không mang ý nghĩa quốc gia”.

Theo đánh giá của tạp chí Forbes, khoản đầu tư “khiêm tốn” trên là quá nhỏ bé so với tiềm năng tham vọng của ngành du lịch Việt Nam khi muốn tăng doanh thu và lượng khách du lịch quốc tế lên gấp đôi vào năm 2020 so với con số 15,1 tỉ USD. Mức chi phí 2 triệu USD/ năm không đủ để quảng cáo thường xuyên trên những tờ báo quốc tế nổi tiếng như CNN.

Đó là chưa kể, quy trình cấp kinh phí, thẩm định phê duyệt đề cương, dự toán, đấu thầu… phức tạp và mất nhiều thời gian dẫn tới hệ lụy trong triển khai bị động. Thậm chí chưa hình thành thông lệ hay quy định về quyền lợi và trách nhiệm trong việc huy động và sử dụng kinh phí xã hội hóa trong xúc tiến du lịch, nên nguồn lực xã hội hóa không đảm bảo. Việt Nam chưa tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng xúc tiến du lịch nên việc xã hội hóa vẫn theo hình thức “ăn đong” tùy từng sự kiện.

Với khoản ngân sách 2 triệu USD/năm của Việt Nam dành cho việc xúc tiến du lịch trên thị trường quốc tế chỉ bằng 2,9% so với Thái Lan, 2,5% so với Singapore và 1, 9% so với Malaysia như vậy cộng thêm việc mất thời gian... giải ngân, có thể ví, quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam chỉ như người đi bộ trong khi các nước láng giềng đã phóng ào ào... xe máy, ô tô. Du lịch Việt Nam bị “tụt hậu” là điều dễ nhận ra.  

Không có cơ quan chuyên trách xúc tiến du lịch

Chi phí quảng bá du lịch đã “hẻo”, việc tận dụng chi phí đó lại nhạt nhòa, kém hiệu quả.  Một điều đáng buồn, Việt Nam không có nổi một cơ quan chuyên trách xúc tiến du lịch. Xúc tiến du lịch Việt Nam, mỗi nơi làm một kiểu, mỗi nơi làm một thương hiệu, nên thiếu đồng bộ và không hiệu quả. Quảng bá du lịch Việt Nam lâu nay vẫn đang làm theo phương thức qua các hội chợ, liên hoan văn hóa gắn với du lịch. Công tác tổ chức các hội chợ còn thụ động, kiểu chụp giật, cầu may, chưa chuyên nghiệp; hợp tác tổ chức xây dựng gian hàng chung với các bên liên quan thiếu tính ổn định và kế hoạch dài hạn, sản phẩm du lịch tại các gian hàng chưa thực sự phong phú, hấp dẫn. 

Ông Lê Quang Đạo - Phó Giám đốc Du lịch Việt văn phòng miền Bắc thẳng thắn, một số liên hoan du lịch chỉ phát tờ rơi cho khách. Tờ rơi ấy chỉ vài phút sau biến thành tờ giấy lộn trong tay khách. Còn ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho hay, việc xúc tiến của Việt Nam chưa có được kịch bản chặt chẽ và khoa học. Nội dung xúc tiến thường dàn trải ra nhiều chi tiết, nhiều hạng mục, nhiều điểm đến mà không tập trung vào một sản phẩm cụ thể. Trong khi, kinh nghiệm từ các nước bạn như Thái Lan hay Singapore, họ chỉ chọn 1, 2 sản phẩm du lịch làm “điểm nhấn” thu hút khách quốc tế. 

Còn nhớ, cách đây 2 năm, ngành Du lịch Việt Nam đã xúc tiến du lịch tại Expo Milan 2015. Gian hàng du lịch Việt Nam có tên gọi “Ngôi nhà Việt Nam”. Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh- Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Canada tại Việt Nam, là vị khách tới tham quan gian hàng đã không giấu nổi sự thất vọng, bức xúc: “Ngoài vài chiếc ti vi nhỏ xíu tua đi tua lại những đoạn phim quay sẵn về các thắng cảnh ở đất nước Việt Nam mà chẳng ai buồn xem, toàn bộ khu vực này tập trung bày bán đủ các loại hàng hóa tạp nham như quần áo, thiệp xếp tay, hũ, lọ sơn mài, nón lá, túi xách... Độ tinh xảo của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ hay quần áo ở đây còn thua xa những sản phẩm ở một sạp hàng bình thường của bà con tiểu thương tại chợ Bến Thành. Đáng ngạc nhiên là một vài bộ trang phục nam, nữ trưng bày toàn là kiểu áo Tàu. Cách quảng bá thiếu chuyên nghiệp, nhếch nhác của ngành Du lịch không những không thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển mà còn làm xấu thêm hình ảnh Việt Nam trước bạn bè quốc tế”.

Quảng bá hội chợ thì nhàm chán, quảng bá trên Youtube của Tổng cục Du lịch thì người ít người truy cập, sự lan tỏa thông tin yếu kém. 

Đọc thêm