Tăng giá điện 8,36% từ cuối tháng 3 này?

Phương án giá điện đã được Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét theo quy định và cũng đã được báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thường trực Chính phủ.

Thông tin từ Bộ Công thương, giá điện năm 2019 dự kiến tăng 8,36% vào nửa cuối tháng 3 năm 2019.

Nếu được điều chỉnh tăng ở mức trên thì giá điện của Việt Nam sẽ ở mức 0.080 USD/kWh (tỷ giá ngày 5/3), mức giá này tương đương so với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ.

Đây là lần điều chỉnh giá điện đầu tiên sau 3 năm giữ nguyên giá bán.

Các phương án giá điện đã được Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét theo quy định và cũng đã được báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thường trực Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, phương án giá điện được xây dựng đã xét cơ cấu nguồn điện huy động trong năm 2019: Với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 dự kiến khoảng 6,8%, Bộ Công Thương dự báo tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 toàn quốc sẽ đạt 211,9 tỷ kWh.

Bộ Công Thương cũng đã xem xét các yếu tố đầu vào: giá than nội địa; giá than pha trộn giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước của một số nhà máy điện; Dự báo về giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện theo dự báo của Ngân hàng thế giới, giá than thế giới; Dự báo về giá khí cung cấp cho các nhà máy điện theo dự báo của Ngân hàng thế giới; Thuế bảo vệ môi trường đối với than và dầu tăng thêm; Dự báo về tỷ giá năm 2019 giữa VND với các ngoại tệ như USD, Euro, Yên Nhật…; các khoản chi phí còn treo chưa được đưa vào giá điện trong các năm trước (chênh lệch tỷ giá)...

"Với các thông số đầu vào nêu trên, phương án giá điện đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau. Các phương án được cân nhắc với mục tiêu là đưa vào dần các chi phí còn treo, đồng thời đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, có xem xét đến tình hình kinh tế vĩ mô", Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết.

Phối hợp với Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương thực hiện đánh giá tác động của các phương án điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước. Cụ thể, các phương án điều chỉnh giá điện làm tăng CPI trong khoảng từ 0,26% - 0,31%, làm tăng PPI trong khoảng từ 0,15% - 0,19%, làm giảm GDP trong khoảng từ 0,22% - 0,25%. 

Các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ với mức tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Đọc thêm