Thuế thuốc lá càng thấp, gánh nặng xã hội càng cao

(PLO) - Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành còn 39% (hiện nay là 43%). Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia khuyến cáo thuế là công cụ chính sách quan trọng nhất và hiệu quả nhất, đóng góp 50-60% vào việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá.
Hình minh họa
Hình minh họa

Bộ Tài chính đưa ra hai phương án tăng thuế. Trong đó, phương án 1 là bổ sung thuế tuyệt đối 1.000 đồng mỗi bao thuốc; phương án 2 là tăng thuế tỷ lệ theo lộ trình 75-80% và đạt 85% năm 2021.

Chia sẻ tại phiên thảo luận về thuế thuốc lá của Hội nghị thường niên các nhà Kinh tế Việt Nam diễn ra gần đây tại Hà Nội, thạc sĩ Đào Thế Sơn, chuyên gia kinh tế, giảng viên Đại học Thương Mại cho rằng tác động của các phương án này rất yếu, chỉ giúp Việt Nam đạt được một nửa so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, phương án 1 giúp giảm 1,5% tỷ lệ hút thuốc lá; còn phương án 2 chỉ 1%.

Thực tế, trong suốt 10 năm qua (2006-2016); Việt Nam có 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: 55-65-70%. Tuy nhiên, khoảng cách tăng quá xa, mức tăng quá thấp nên hiệu quả rất thấp. Quy đổi ra thì mức thuế này chỉ chiếm 35% giá bán lẻ.

“Nếu tăng theo lộ trình lên 85% năm 2021 thì tính trung bình thuế đánh vào mỗi bao thuốc lá chỉ tăng 551 đồng, với các nhãn hiệu thuốc lá giá rẻ thì tăng 250 đồng. Người trẻ, người có thu nhập thấp vẫn có thể chịu được mức giá này”, ông Sơn tính toán.

Với mức thuế thấp, giá thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc loại rẻ nhất so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Trong 20 nước được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khảo sát, giá một bao thuốc lá phổ biến ở nước ta đứng thứ 19, thấp hơn cả Lào, Campuchia, Trung Quốc...

Ước tính năm 2005, người tiêu dùng chi khoảng 9% thu nhập để mua 100 bao thuốc lá thì năm 2016 chỉ phải bỏ ra 4,3% thu nhập. Theo thạc sĩ Sơn, thuốc lá đang rẻ đi so với thu nhập. 

Thái Lan mỗi năm tiêu thụ 2,2 tỷ bao thuốc lá nhưng thu thuế đạt 2,1 tỷ USD. Trong 22 năm thuế thuốc lá của nước này tăng từ 55% lên 87% giá bán buôn đã có thuế; tương đương mức tăng 120% giá xuất xưởng lên thành 670%. Việt Nam mỗi năm tiêu thụ gấp đôi con số của Thái Lan nhưng thu thuế chỉ được 0,7 tỷ USD.

Vì thế, chuyên gia đề xuất Việt Nam cần tăng thuế mạnh hơn. Bộ Y tế, WHO... đều cho rằng để đạt hiệu quả giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc lá xuống 39% trong 2 năm tới, Việt Nam cần bổ sung mức thuế tuyệt đối 2.000-5.000 đồng mỗi bao.

Bên cạnh đó, một trong những lý do khiến thuế thuốc lá không tăng mạnh là do lo ngại về việc làm và gia tăng buôn lậu. Tuy nhiên, các chuyên gia phản bác quan điểm này.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên gia kinh tế, Đại học Thương Mại nhấn mạnh việc làm trong sản xuất thuốc lá chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số việc làm quốc gia 0,01%; việc giảm việc làm ở đây không liên quan đến sản lượng sản xuất thuốc lá cũng như việc tăng thuế. Cụ thể, giai đoạn 2010-2013, lao động ngành thuốc lá giảm dù không tăng thuế và sản lượng sản xuất thuốc lá tăng đều đặn (từ gần 5,1 tỷ lên 5,7 tỷ bao).

Về buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam, tiến sĩ Evan Blecher, Trung tâm chính sách y tế, Viện nghiên cứu và chính sách y tế, Đại học Illinois (Chicago, Mỹ) cho biết, khảo sát 2.700 người hút thuốc từ 18 tuổi trở lên ở 9 tỉnh thành ở Bắc, Trung, Nam cho thấy giá thuốc lá lậu cao hơn đáng kể so với thuốc lá hợp pháp. Thuốc lá lậu được tiêu thụ bởi người giàu nhiều hơn.

“Hiện tượng này ở Việt Nam rất lạ, không giống các quốc gia khác. Điều này không giống với câu chuyện mà các doanh nghiệp thuốc lá hay đưa ra rằng buôn lậu thuốc lá để trốn thuế; do đó thuốc lá lậu rất rẻ hoặc ít nhất là rẻ hơn thuốc lá hợp pháp phải chịu thuế”, chuyên gia phân tích. Theo các nghiên cứu của WHO, tại các quốc gia có mức giá thuốc lá thấp thì tình trạng buôn lậu lại xảy ra nhiều hơn so với những nước có mức giá và thuế cao hơn.

Thuốc lá là mặt hàng đặc biệt, gây nghiện nên nếu giảm tiêu dùng thì cũng chậm, nhiều người nghiện khó có thể bỏ thuốc. Việc tăng thuế chủ yếu giảm người trẻ hút mới.

Gánh nặng bệnh tật do thuốc lá tại Việt Nam rất lớn. Ước tính mỗi năm nước ta có đến 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Với một tỷ bao thuốc tiêu thụ vào những năm 1990, hiện hệ thống y tế của Việt Nam đã quá tải; người bệnh tim mạch, ung thư nằm ghép 4-5 người... Gánh nặng bệnh tật do thuốc lá trong tương lai sẽ nặng nề hơn với 5 tỷ bao thuốc tiêu thụ năm 2013.

Đọc thêm