Tiếp loạt bài “Đi tìm hàng Việt cho người Việt”: Cần bóc tách rõ khái niệm “hàng Việt Nam”

(PLVN) - Quan điểm cần phải có định nghĩa, khái niệm rõ ràng về hàng Việt Nam tiếp tục được đại diện các cơ quan, bộ, ngành đưa ra. Đây cũng là điều mà Báo PLVN đã đề cập đến thông qua loạt bài “Đi tìm hàng Việt cho người Việt” đã đăng tải thời gian qua.  
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dễ nhầm lẫn các khái niệm 

Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, Dự thảo cách xác định sản phẩm hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam có nhiều vấn đề băn khoăn, đặc biệt là cách xác định nhãn mác hàng hóa. Điều 3 Dự thảo này quy định “xuất xứ Việt Nam là hàng hóa của Việt Nam” khiến dư luận hiểu rằng, cứ hàng hóa có xuất xứ Việt Nam sẽ là hàng hóa của Việt Nam. Trong khi tại điều 4 Dự thảo lại đang gộp các khái niệm xuất xứ tại Việt Nam với sản xuất, chế tạo tại Việt Nam. 

“Khái niệm này có đồng nhất không?” - bà Hương đặt câu hỏi. Theo bà Hương,  cần phải bóc tách rõ ràng các khái niệm này và cần xác định như thế nào là hàng hóa của Việt Nam nhưng Thông tư lại đưa ra một loạt các quy định về quy tắc xuất xứ. Các quy định này lại tương đồng với các quy định đã có ở Nghị định 31 và Thông tư 05. 

Đại diện Bộ KH&ĐT cũng có băn khoăn tương tự về cách đánh đồng các khái niệm sản xuất tại Việt Nam và hàng hóa của Việt Nam thể hiện trong Thông tư mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dư luận. Theo vị đại diện Bộ KH&ĐT, khoản 2, Điều 4 Thông tư quy định tùy thuộc vào quá trình sản xuất gia công, chế biến, tổ chức cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ “sản phẩm của Việt Nam”; “sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất’; “hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng Việt Nam”… có thể gây nhầm lẫn về khái niệm hàng Việt Nam với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. 

“Cần phải xác định rõ ràng các cụm từ, nên chăng chỉ dùng cụm từ này để chỉ hàng hóa Việt Nam, để có thể tránh trường hợp những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, áp dụng công nghệ cao, thậm chí tiêu chuẩn thế giới lại có thể được gọi là hàng hóa của Việt Nam” - đại diện Bộ KH&ĐT nói.

Hai băn khoăn mà đại diện VCCI và Bộ KH&ĐT đặt ra cũng là vấn đề mà Báo PLVN đã nhiều lần đề cập. Trong đó, điều quan trọng nhất là để tránh xảy ra trường hợp người Việt tự hào về hàng Việt nhưng hàng Việt này lại mang… “gốc ngoại”. 

Vẫn có thể xảy ra gian lận xuất xứ?

Ngoài những vấn đề đã nêu trên, Dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương vẫn còn nhiều điều khiến các bộ, ngành và DN thắc mắc. Bà Bùi Thùy Dương, chuyên viên nhãn hàng hóa, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ KHCN) cho rằng, quy định về điều khoản gia công đơn giản trong Thông tư của Bộ Công Thương vẫn chưa chính xác. Bởi giai đoạn phối trộn, phụ gia không phải là công đoạn đơn giản, bởi thông qua giai đoạn này có thể thay đổi chất lượng hàng hóa, nếu không xét đến đấy là một yếu tố xuất xứ thì có thể dẫn tới việc gian lận xuất xứ. 

Bà Dương lý giải, doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) có thể tiến hành phối trộn không đạt chất lượng như các nước Âu, Mỹ nhưng vì nguồn gốc nguyên liệu đầu vào là Âu, Mỹ nên DN nhập khẩu nguyên liệu có thể ghi xuất xứ Âu, Mỹ (vì không đạt hàm lượng gia công tại Việt Nam để ghi sản xuất tại Việt Nam theo quy định mà Thông tư đề ra). 

Dẫn vấn đề tương tự, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, với mặt hàng sữa bột cho trẻ em, nhiều DN nhập khẩu cả sữa bột và vitamin nhưng công thức để phối trộn sữa dinh dưỡng phù hợp với trẻ em Việt Nam là chất xám của DN, nếu không đủ hàm lượng giá trị gia tăng 30% theo quy định của Thông tư thì sản phẩm không được ghi sản xuất tại Việt Nam. “Nếu ghi xuất xứ New Zealand hay xuất xứ Mỹ (các quốc gia nhập khẩu nguyên liệu đầu vào) có bị coi là gian lận hay không" -  ông Trung hỏi.

Đại diện nhãn hàng thiết bị vệ sinh Toto lại băn khoăn việc ghi xuất xứ hàng hóa như thế nào cho một sản phẩm vừa xuất khẩu, vừa lưu thông trên thị trường Việt Nam. Vị đại diện này cho biết, Công ty có một sản phẩm nếu xuất khẩu thì đủ cơ sở ghi nhãn mác “made in Vietnam” nhưng nếu lưu thông trong nước thì không đủ cơ sở để ghi sản xuất tại Việt Nam, sản phẩm hàng hóa này sẽ phải thể hiện nhãn hiệu hàng hóa như thế nào? 

Còn đại diện Tập đoàn Hòa Phát khẳng định, chắc chắn khi thông tư ra đời sẽ có rất nhiều văn bản hỏi lại vì còn rất nhiều băn khoăn cần phải xác định cho rõ. Đại diện DN này nêu vấn đề: Theo Dự thảo Thông tư mới, đơn vị nào sẽ kiểm soát xem DN ghi đúng hay sai nhãn hàng hóa? Nếu DN muốn mời cơ quan chức năng để kiểm tra xem có đạt tiêu chuẩn để ghi xuất xứ hàng hóa Việt Nam thì sẽ như thế nào? 

Đọc thêm