Tiểu hổ

Vợ chồng ông hai Bắp vốn tính nhút nhát nên cái gì cũng sợ mà chuột là thứ bà sợ nhất. Hôm ấy bà đang làm cơm, tay đang bưng bát dưa thì bỗng, từ trong xó bếp một con chuột bự chạy ào ra va vào chân, thế là hồn vía bà lên mây.

Vợ chồng ông hai Bắp vốn tính nhút nhát nên cái gì cũng sợ mà chuột là thứ bà sợ nhất. Hôm ấy bà đang làm cơm, tay đang bưng bát dưa thì bỗng, từ trong xó bếp một con chuột bự chạy ào ra va vào chân, thế là hồn vía bà lên mây.

Bà rớt bát dưa đánh xoảng...

- Ối! Ối! Làng nước ơi! Ối! Ông nhà nó nơi! Bà líu cả lưỡi.

- Cái gì? Cái gì thế? Ông cũng hốt hoảng không kém.

- Chuột... Chu...ột...! Trời ơi! Nó to quá, chạy đụng cả vào chân tôi. Tôi hoảng hồn đánh rơi bát dưa, đổ vỡ hết cả rồi. Ông hãy nghĩ cách gì tiêu diệt cái lũ chuột này. Nếu cứ để chúng chạy lung tung trong nhà, có lúc tôi đến vỡ tim mất.

- Tôi biết rồi. Tốt nhất là mua một con mèo về nuôi. Có hơi mèo thì chuột sẽ bỏ đi thôi.

Sáng hôm sau, ông Bắp đi chợ sớm để mua mèo. Bà dặn, mèo gì cũng được, đực cái gì cũng không sao miễn là nó bắt được chuột, ông nghe rõ chửa?

Đến chợ. Chợ đông nghẹt nhưng lại ít người bán mèo. Ông chờ mãi mới có người mang mèo đến bán. Thôi thì mắc rẻ, tốt xấu gì cũng mua lấy một con. Nếu về tay không, ắt bà ấy sẽ bù lu bù loa... Ông mang mèo về nhà nuôi một thời gian mới thả nó ra.

Ông Bắp ngồi quan sát. Con mèo này cũng thật kỳ cục, chuột đánh hơi "tử thần" cận kề nên chạy loạn trước mặt mà nó cứ ngồi yên. Ông chép miệng: Chắc là mua trúng con "mèo quý phái" chuyên được chủ cho ăn uống no nê, đầy đủ nên nó quen rồi, không cần bắt chuột nữa. Nhưng ông lại nghĩ: Nó chưa trổ miếng võ đấy thôi.

Hãy chờ xem!

Nhưng, càng quan sát ông càng thấy lạ: con mèo cứ đi loanh quanh, hết xó bếp lại lên nhà rồi chui xuống gầm giường. Cuối cùng thì nó cũng làm được một việc là nghe hơi "tử thần", lũ chuột trong nhà đã chạy biến. Bà Bắp phấn khởi lắm. Nhưng... nó lại lục tung mớ cá diếc bà Bắp mới mua về.

Chưa hết. Vùng quê này về đêm trời thường lạnh. Nhà nào bây giờ cũng dùng bếp gaz, không dùng bếp củi nữa, mèo không có xó bếp củi để ủ ấm. Hai vợ chồng ông Bắp mấy năm nay làm ăn khấm khá bên bà học "mốt tây", mặc váy đầm khi ngủ. Khuya, chú mèo mới tìm hơi ấm, chú chui vào đuôi giường...

- Ủa! Cái ông này làm gì kỳ cục vậy? Làm "người ta" nhột nhột là...
- Tôi làm cái gì? Ông Bắp bực: Im đi để ngủ, khuya rồi.

Lúc ấy mèo ta nghe thấy tiếng người, chạy biến, nên ông Bắp bật đèn lên chẳng thấy gì. Nhưng khi tắt đèn được một lúc, hai vợ chồng ông vừa nằm ấm lưng thì mèo lại nhảy lên giường tìm hơi ấm. Nó lại ngọ nguậy khiến bà Bắp bực và tưởng ông ấy ỡm ờ... nên bà co chân đạp mạnh một cái cho bõ tức.

Con mèo bị bà đạp mạnh trúng đầu, nó meo một tiếng rõ to rồi chạy biến đâu đó. Sáng hôm sau, ông Bắp lại thấy nó hất vung ăn vụng cá trong nồi. Ông cầm chổi đuổi đánh. Nó nhảy lên mái tôn và không xuống nhà nữa. Vì thế, lũ chuột lại kéo đến.

Ông Bắp lại được "phân công" đi mua con mèo khác. Con mèo này có vằn vện đúng theo ý bà nên bà thích lắm. Nuôi nhốt được một thời gian lại thả nó ra. Vừa thả ra nó đã ngửi thấy hơi mèo cái nên nó nhảy phốc lên mái tôn và cặp đôi với con mèo cái trên đó.

Bà Bắp than thở: Rõ chán! Mua mèo, nuôi mèo để chúng bắt chuột. Đực cái lại chẳng để ý hóa ra tạo điều kiện cho chúng "tăng dân số" trên mái nhà nhà mình. Ông Bắp lại định dùng bẫy để bắt, bà Bắp gạt phăng: Ông lại quên chuyện bẫy chuột rồi sao! Mèo con tinh khôn hơn chuột nữa đấy. Chuyện mèo tạm gác lại, hai vợ chồng ông còn phải lo be bờ, tát nước, làm cỏ ruộng nên mệt mỏi đi ngủ sớm. Ông bà đang ngon giấc thì nghe thấy tiếng rầm... rầm... trên mái tôn như có ai ném đất đá hay kẻ trộm đang cạy mái tôn để chui xuống. Bà khẽ đập đập lưng ông:

- Ông có nghe gì không? Ai trên mái tôn ấy...! Ông Bắp bảo: Chẳng có chuyện gì đâu. Hai con mèo đang đú đởn đấy mà.

- Mai, ông ráng mang cái trí khôn của ông, nghĩ cách bắt cho được. Ông bắt được nó, tôi thưởng.

- Bà thưởng tôi cái gì nào?

- Tôi thưởng cái ông vẫn thích...!

- Thưởng thuốc lá hả? Thưởng thuốc lá cho tôi chóng chết à! Còn thưởng... thưởng...

Bà Bắp nguýt dài...

Cuối cùng thì vợ chồng ông Bắp cũng bắt được một con, đó là con mèo cái. Ông quyết định đem mèo cái ra chợ đổi lấy con mèo đực. Hai con cùng giới tính ắt chúng sẽ không làm rầm rầm trên mái tôn nhà ông nữa. Ông cho con mèo vào túi vải đem ra chợ. Vừa đến đầu chợ ông gặp ngay một đám thanh niên râu tóc lồm xồm, trông có vẻ ngổ ngáo, dữ dằn, chặn lối:

- Này! Ông già mang cái gì đấy? Mở ra coi!

- Có gì đâu. Tôi mang mèo ra chợ đổi con khác.

- Ối giời! Ai lại đi đổi mèo bao giờ. Rõ lẩm cẩm. Cho vào kia. Chúng chỉ cái quán tiểu hổ. Cho vào đó hóa kiếp cho nó. Tiễn nó một lít cuốc lủi là xong. Hề... hề...

- Nhà nước cấm giết miêu, các cậu không biết sao?

Thôi các cậu để tôi đi. Đổi được mèo tôi đãi các cậu một bữa nhậu.

- À! Thế thì được. Tránh ra bay, cho lão đi. Mà ông già nhớ, đánh lừa bọn này là không xong đâu!

Đám thanh niên râu ria lồm xồm bỏ đi. Ông Bắp đi nhanh vào chợ, lội lên lội xuống khắp chợ mới tìm được con mèo đực ưng ý. Có người bảo: Bây giờ "miêu" đang có giá, ông lại đi mua mèo, giá sẽ đắt đấy.

- Thì có đắt chút ít tôi cũng chịu mà. Trả thêm 10 ngàn, bỏ mèo vào túi vải. Ngó trước, ngó sau trông chừng đám thanh niên râu ria, ông gọi xe thồ chạy ù về nhà.

Hai tuần sau, con mèo mới đổi về mới được thả ra. Nó vươn mình, khoan thai ra khỏi chuồng rồi ngồi chống hai chân trước, cái mũi nó nhíu lại như ngửi thấy thứ mùi quen thuộc. Bỗng, nó meo lên một tiếng, nhảy tót lên gác bếp và thót lên mái nhà. Ông lên sân thượng thấy nó ngồi yên trên mái tôn, cái đuôi quật qua, quật lại như nó muốn "bai... bai...". Thôi, đành vậy!

Tuy miệng nói thế nhưng hai ông bà đều lo, chẳng biết nó có để yên cho không. Tối đến, con mèo cũ mò về, gặp con mèo mới, dù là cùng giới tính chúng cũng chẳng làm lành với nhau. Một trận kịch chiến để chiếm địa vị độc đôn, trên mái tôn nhà ông như có bão.

Sau đó, quả có được mấy đêm ông bà Bắp được ngủ yên. Hai con mèo đực biến đi đâu mất, ông bà Bắp mừng lắm. Nào ngờ cái mừng của ông bà chẳng được bao lâu. Hai con mèo kéo theo về ba bốn con mèo cái. Chúng cấu xé, tranh giành "người đẹp". Mái tôn nhà ông biến thành trận địa, không thể nào chịu đựng được nữa. Dù đang đêm, ông cũng bắc thang, tay cầm đèn pin, tay cầm chổi lên mái nhà xua đuổi chúng. Tay ông đập chổi, miệng ông hét: "Này! Đực cái này! Này! Lũ khốn này"!. Bà chạy theo ông lên sân thượng.

- Này! Ông ơi! Đang đêm ông la hét thế, hàng xóm tưởng ông khùng đấy, với lại ông mà trượt thang ngã xuống thì khốn. Xuống đi! Mà ông đâu còn sức.

Cuối cùng thì ông cũng tóm được một con và, lũ mèo còn lại cũng bị ông đuổi đánh tiếp nên chúng bỏ đi hẳn. Con mèo ông bắt được trông thật đẹp mã. Ông định để lại nuôi. Bà nhất quyết phản đối. Nó lại quen thói cũ thì tôi và ông chỉ có nước đi ngủ nhờ nhà hàng xóm. Hay ông mang nó đi bán hoặc cho quán tiểu hổ:

- Cái quán ấy ủy ban dẹp lâu rồi. Nếu vậy chỉ còn cách mang nó đi thật xa và thả nó ra.

Ông bảo, có đưa nó đi xa mấy thì nó cũng tìm được đường quay lại, vì chúng để lại hơi trên đường đi để nhận biết khi muốn quay lại. Với lại, mèo là con vật đứng đầu dòng họ mèo: sư tử, cọp, báo, linh miêu... thế nào rồi chúng cũng tìm về nhà mình thôi.

- Ông nói lạ. Nghe lãng nhách. Nhà mình thì có họ hàng gì với chúng.

- Thế mà có đấy. Bà ngồi xích ra xa rồi tôi mới nói cho nghe. Bà là "Sư tử Hà Đông". Nó là mèo trưởng tộc. Không tìm về đây thì tìm về đâu. Bà liếc ông một cái sắc lẹm:

- Tôi đã vồ ông lần nào chửa mà ông bảo tôi là "Sư tử Hà Đông"?

- Bà chưa vồ nhưng bà hống, hống là la to như sư tử cái gầm ấy.

- Úi! Úi...!

Mèo là thú nuôi có ích. Nhớ một dạo ta tận diệt miêu để phục vụ cho các cửa hàng ăn đặc sản tiểu hổ và nấu cao. Hết mèo, lũ chuột phát triển nhanh chóng, phá hoại mùa màng, ruộng lúa và còn truyền bệnh dịch hạch. Bây giờ thì ai cũng hiểu, cần phải "cân bằng sinh thái". Làm mất cân bằng sinh thái là gây ra hiểm họa khôn lường. Mèo còn là con vật cảnh cần được bảo vệ.

Chuyện mèo. Chuyện vui. Ngày Tết rảnh rỗi đọc cho vui.

NGUYỄN TÙNG CHÂU

Đọc thêm