Quả vải Việt Nam ở siêu thị Nhật Bản thông qua Aeon. |
Quan điểm lệch nhau
Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020 do Bộ Công Thương tổ chức hôm qua (17/12), đại diện Tập đoàn Aeon Việt Nam cho biết, năm 2018 Aeon đã khảo sát hơn 300 nhà cung cấp Việt Nam và trực tiếp hướng dẫn cho 33 DN về quy chuẩn chất lượng hàng hóa được nhập khẩu thông qua Aeon nhưng số lượng DN có hàng đạt chuẩn phân phối qua Aeon không nhiều.
Lý do là khả năng sản xuất ổn định của nhà máy và sự chênh lệch rất lớn trong suy nghĩ về quản lý chất lượng của các DN và Aeon. Một số DN không hiểu, không chấp nhận việc phải đáp ứng theo yêu cầu chất lượng của nước ngoài.
Bà Nguyễn Mai Anh (Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội) cho biết nhiều DN băn khoăn về việc hàng của họ xuất khẩu (XK) đi rất nhiều nước nhưng lại không thể trở thành nhà cung cấp cho các tập đoàn phân phối lớn trên thế giới. Đó là suy nghĩ chưa chuẩn của DN. DN cần phải thay đổi, không thể cứ nghĩ có hàng XK là có thể vào được các siêu thị nước ngoài bởi XK qua các thị trường đã khó thì để vào được hệ thống phân phối sẽ gặp khó khăn hơn nhiều.
Ông Trần Trí Cường (Trưởng phòng Xuất khẩu, Tập đoàn MM Megamaket) cho biết, không phải nhà máy nào cũng đáp ứng được yêu cầu của nhà phân phối dù đã qua sàng lọc. Do đặc thù nông sản Việt Nam không có vùng trồng lớn nên chất lượng không đồng đều. Trong khi MM Megamarket lại rất chú trọng đến vấn đề chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm vì “không muốn bị kiện ở thị trường quốc tế về vấn đề chất lượng sản phẩm”.
Sợ rủi ro khi đưa hàng vào siêu thị nước ngoài?
Tham tán Đỗ Thị Thu Hương (Thương vụ Việt Nam tại Canada) cho biết, hàng hoá của Việt Nam đang ngày càng được quan tâm hơn tại Canada, giá cả cạnh tranh, mức chênh lệch có thể lên đến 15-18% do được hưởng thuế nhập khẩu 0% theo Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh đó, nhiều Việt kiều tại Canada đang giữ những vị trí chủ chốt tại các tập đoàn phân phối lớn ở Canada và muốn đưa hàng Việt Nam xuất hiện nhiều hơn ở các hệ thống của tập đoàn.
Tuy nhiên, vấn đề mà một số nhà phân phối lớn của Canada gặp phải là “sự thiếu nhiệt tình từ phía Việt Nam”. Ví dụ, một nhà phân phối lớn có doanh thu 20 tỷ USD/năm, chuyên phân phối hoa quả tại Canada cũng đã sang Việt Nam, cảm thấy thích thú với sản phẩm Việt Nam và mong muốn 2 bên cùng hợp tác xây dựng chiến lược lâu dài từ 5-7 năm nhưng chưa thành công do “không có hồi âm từ các cơ quan Việt Nam, không biết liên hệ với ai để bàn về các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để có thể đưa hàng lên kệ siêu thị.
Trong khi đó, bà Mai Anh cho rằng, cần phải có cách truyền tải để thúc đẩy DN tiếp cận với nhà phân phối và để DN quyết liệt đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối.
“Rõ ràng chương trình thúc đẩy DN vào hệ thống phân phối ở nước ngoài là một cơ hội rất lớn để DN vươn dài XK hàng hóa. Chương trình này làm cho DN trưởng thành lên, cạnh tranh được trên toàn cầu. 5 năm mới chỉ là bước khởi đầu. Tôi hy vọng DN Việt Nam sẽ thay đổi nhận thức để có thể tận dụng những cơ hội lớn thông qua đề án này” - bà Mai Anh kỳ vọng.