Tại buổi thảo luận về những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ và đề xuất các kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước, do Bộ Công thương tổ chức hôm nay, ông Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu thương mại, nhận định, bán buôn, bán lẻ hiện gặp nhiều khó khăn. Bán lẻ không còn hấp dẫn, hầu hết các siêu thị tiêu thụ chậm...
Theo ông Xuân, doanh nghiệp cần xây dựng lòng tin chiến lược ở thị trường trong nước. Nhà nước đã có sẵn chính sách ưu đãi, hỗ trợ bán buôn, bán lẻ, vấn đề là doanh nghiệp có biết và vận dụng được hay không?.
|
Bán lẻ đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa từ internet. |
Ông Xuân cho biết thêm, nhiều địa phương đang tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp này, sẵn sàng “cho” khi doanh nghiệp xin hỗ trợ đặt chi nhánh. “Điều mà địa phương xem xét duy nhất hiện chỉ là có phù hợp quy hoạch địa phương không. Thực tế tự điều chỉnh để quyền lợi riêng của doanh nghiệp ngày càng phù hợp hơn với lợi ích của địa bàn”, ông Xuân nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Xuân, chưa có văn bản nào quy định riêng để điều chỉnh chung về bán buôn, bán lẻ. Những quy định liên quan đến lĩnh vực nằm ở nhiều văn bản khác nhau, cơ quan chức năng nên “khư trú” lại để nhà đầu tư biết “bám” vào cái gì và người tiêu dùng nhận dạng được mua gì thì vào chợ, mua gì thì vào siêu thị...
“Đây là tiêu chuẩn để bán buôn, bán lẻ Việt Nam hội nhập quốc tế. Cần có một cuốn sách như cẩm nang hướng dẫn trong ngành, tập hợp những tiêu chuẩn, quy định, ưu đãi… với từng loại hình, từng ngành, từng mục tiêu, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu, áp dụng theo hướng chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa từ cách viết văn bản để tiếp cận vốn trở đi…”, ông Xuân đề xuất.
Từ thực tế hoạt động của đơn vị mình, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội, chia sẻ, doanh nghiệp bán buôn bán lẻ cần lựa sức mình, phát triển lợi thế cạnh tranh, bằng cách tập trung phát triển hệ thống phân phối có quy mô nhỏ và vừa, bám theo địa bàn dân cư.
“Trong từng lĩnh vực cần tăng cường tính liên kết, kết hợp giữ nhà sản xuất và nhà phân phối để hỗ trợ nhau xây dựng và bảo vệ thương hiệu, trợ giúp Chính phủ trong vệc điều hành vĩ mô về thị trường giá cả”, ông Vượng nói.
Thanh Nga