Tìm cơ chế xử lý tài sản bán đấu giá không thành

Tài sản đã hạ giá nhiều lần nhưng không thể bán được vì không có người mua khiến cơ quan thi hành án bế tắc, nguy cơ tồn đọng án ngày càng cao. Quy định khống chế số lần hạ giá tài sản liệu có phải là giải pháp hữu hiệu?.

Tài sản đã hạ giá nhiều lần nhưng không thể bán được vì không có người mua khiến cơ quan thi hành án bế tắc, nguy cơ tồn đọng án ngày càng cao. Quy định khống chế số lần hạ giá tài sản liệu có phải là giải pháp hữu hiệu?.

 

Bế tắc vì không có người mua

Kinh tế khó khăn, bất động sản đóng băng... tình trạng này kéo dài nhiều năm tác động không nhỏ đến các cơ quan thi hành án dân sự (THADS). Trong khi án dân sự ngày càng gia tăng "đột biến" cả về việc và về tiền (6 tháng đầu năm tăng gần 45 ngàn việc, bằng 22% và hơn 8 ngàn tỷ đồng, bằng 67%) thì cơ chế THA, đặc biệt là xử lý tài sản bán đấu giá không thành đang bộc lộ nhiều bất cập, khiến cơ quan THA, người được, người phải THA gặp rất nhiều khó khăn.

Tại Tiền Giang, mặc dù qua phân loại án có đến 85% về việc và 92% về tiền có điều kiện thi hành theo báo cáo của Cục trưởng THADS Nguyễn Văn Quyết tại hội nghị sơ kết công tác THADS 6 tháng đầu năm, tuy nhiên cũng theo Cục trưởng Quyết: "Hiện nay, Tiền Giang còn đến gần 4 ngàn việc THA bán đấu giá không thành còn tồn lại. Vấn đề là tài sản bán rất nhiều lần nhưng không có người mua, không bán được dù anh em THA đã làm hết sức".

Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Lê Quang Tiến cũng cho biết, hiện nay, lượng việc và tiền của Hà Nội thụ lý tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt lượng tiền ở án kinh doanh thương mại chiếm tỷ lệ rất lớn còn tồn chưa xử lý được.

Số lượng tiền phải thi hành lớn, tính chất vụ việc phức tạp, có những vụ việc số tiền phải THA lên tới gần 50 tỷ đồng, tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng là nhà đất và các dàn máy móc thiết bị sản xuất, tuy nhiên, hiện nay thị trường bất động sản đóng băng không có giao dịch, các nhà máy xí nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa nên việc xử lý tài sản để đảm bảo THA rất khó khăn.

Cơ quan THADS đã kê biên, ký hợp đồng bán đấu giá tài sản nhưng không có người mua, phải giảm giá nhiều lần cũng không bán được, chi phí xử lý tài sản lớn. Mặc dù Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp và quyết liệt thi hành các vụ án thuộc dạng này, nhưng theo Cục trưởng Lê Quang Tiến thì quan trọng là phải sửa đổi những bất cập của hệ thống pháp luật về THA, trong đó có việc xử lý tài sản đấu giá không thành.

Phản ánh chung của các địa phương cho thấy, hiện nay quy định tại Điều 104 Luật THADS 2008 về xử lý tài sản bán đấu giá không thành không hạn chế số lần định giá lại tài sản khiến cho việc thi hành án kéo dài, làm chậm tiến độ, kết quả công tác THADS.

Khống chế số lần giảm giá?

Sửa đổi Nghị định 58/CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về thủ tục THA, theo ông Đặng Đình Quyền, Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS, nên quy định cụ thể về xử lý tài sản THA bán đấu giá không có người đăng ký tham gia đấu giá theo hướng xác định đó là trường hợp bán đấu giá không thành và hướng xử lý tài sản bán đấu giá không thành rõ hơn.

Cụ thể, trong trường hợp sau ít nhất 2 lần thông báo công khai về bán đấu giá tài sản THA mà không có người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá thì chấp hành viên thông báo cho đương sự biết về việc không có người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá. Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá 10% giá đã định.

Trường hợp sau 5 lần giảm giá theo quy định mà không có người đăng ký tham gia đấu giá hoặc trả giá, nếu người được THA đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền được THA thì chấp hành viên lập biên bản và thông báo cho người phải THA biết.

Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày người phải THA nhận được thông báo, nếu họ không nộp đủ số tiền THA để lấy lại tài sản đưa ra bán đấu giá thì chấp hành viên giao tài sản cho người được THA; đối với tài sản là bất động sản và tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì chấp hành viên ra quyết định giao tài sản cho người được THA để làm thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đó cho người được THA. Người phải THA không tự nguyện giao tài sản thì bị cưỡng chế THA.

Tuy nhiên, về lâu dài, nhiều ý kiến đề nghị phải sửa đổi cơ chế xử lý tài sản bán đấu giá không thành trong Luật THADS hiện hành, nếu không hạn chế số lần sẽ dẫn đến việc bán "không có điểm dừng", gây khó khăn cho tất cả các bên.

Duy Hưng

Đọc thêm