Tìm hiểu ’rồng Trung Hoa’ J-10

Chiến đấu cơ J-10 là niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc

“Rồng Trung Hoa” J-10 là chiến đấu đa năng thế hệ thứ 4 do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô (Chengdu Aircraft Industry Corporation) thiết kế.

Chương trình phát triển tranh cãi

Chương trình phát triển J-10 bắt đầu năm 1986 với mục đích thiết kế chiến đấu cơ mạnh đủ khả năng đối chọi với các mẫu tiêm kích tiên tiến MiG-29 và Su-27 của Liên Xô.

Theo các nguồn thông tin từ Trung Quốc, J-10 được phát triển từ dự án J-9 đã bị hủy bỏ. Mặc dù vậy, một số nguồn tin khác cho rằng có mối liên hệ mật thiết giữa dự án J-10 và chương trình phát triển chiến đấu cơ IAI Lavi của Israel.

Chiến đấu cơ IAI Lavi.
Chiến đấu cơ IAI Lavi.

IAI Lavi là dự án do Israel thực hiện vào đầu những năm 1980, mẫu máy bay này có nhiều điểm tương đồng với “chim cắt” F-16 của Mỹ. Nhưng cũng có điểm khác, đặc biệt là thiết kế cánh mũi. Năm 1987, IAI Lavi bị hủy bỏ do chi phí quá lớn, đồng thời vì đồng minh Mỹ từ chối chi trả khoản tiền phát triển cho một loại máy bay có thể đối thủ cạnh tranh với chiến đấu cơ F-16.

Tuy nhiên, người Trung Quốc phản ứng quyết liệt cho rằng chẳng có mối liên hệ nào giữa J-10 và F-16. Họ giải thích rằng mẫu máy bay J-9 phát triển trong những năm 1960 và khi đó J-9 đã có cấu hình cánh mũi, vì vậy không thể có chuyện J-10 là phiên bản “nhái” Lavi được.

Một nguồn tin khác, nhiều khả năng Trung Quốc nhận được sự trợ giúp từ Pakistan, quốc gia sở hữu một số lượng khá đông chiến đấu cơ tiên tiến F-16 của Hoa Kỳ. Pakistan cũng là một trong những “bạn hàng thân thiết” của Trung Quốc. Nước này nhập khẩu hàng trăm chiếc J-7, xe tăng Type-59 và nhiều khí tài khác.

Giữa những năm 1990, Nga đã tham gia chương trình phát triển J-10 bằng việc cung cấp động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy AL-31F.

Nguyên mẫu J-10 bay thử nghiệm.
Nguyên mẫu J-10 bay thử nghiệm.

Ngày 22/3/1998, “rồng Trung Hoa” J-10 thực hiện lần bay đầu tiên. Hiện nay, J-10 đã được biên chế chính thức và phục vụ tích cực trong không quân Trung Quốc. Trong tương lai, Trung Quốc mong muốn J-10 sẽ thay thế hoàn toàn vai trò các phi đội tiêm kích hạng nhẹ J-7 và cường kích Q-5 trong vai trò không đối không và không đối đất.

Một số quốc gia Châu Á cũng đã bày tỏ mối quan tâm tới J-10 như Pakistan, Iran và Thái Lan. Năm 2007, Pakistan ký hợp đồng mua 32-40 chiếc J-10.

Cấu trúc thiết kế

Cấu trúc thân J-10 được thiết kế theo kiểu kết hợp cánh liền thân, không có cánh đuôi thay vào đó là cặp cánh nhỏ ở gần mũi máy bay. Điều này giảm diện tích cánh so với kiểu cánh đuôi truyền thống.

J-10 với cặp cánh mũi.
J-10 với cặp cánh mũi.

Cửa hút khí tăng lực động cơ của máy bay nằm dưới bụng máy bay, kiểu thiết kế này vô tình tạo một “kẽ hở” lớn giữa cửa hút khí và thân máy bay, để giải quyết vấn đề các kỹ sư Trung Quốc gia cố bằng sáu thanh kim loại nhỏ giúp tăng cường độ an toàn khi bay tốc độ cao.

"Kẽ hở" giữa bụng và cửa hút khí của máy bay được gia cố bằng sáu thanh kim loại.
"Kẽ hở" giữa bụng và cửa hút khí của máy bay được gia cố bằng sáu thanh kim loại.
Cửa hút khi kiểu DSI trên phiên bản cải tiến J-10B.
Cửa hút khi kiểu DSI trên phiên bản cải tiến J-10B.

Cách giải quyết này không được đánh giá cao, trong phiên bản J-10B họ cố gắng khắc phục bằng kiểu cửa hút khí khuếch tán siêu âm (diffuser supersonic inlet-DSI).

Hệ thống điện tử

Buồng lái của J-10 chế tạo theo kiểu bong bóng giúp phi công quan sát 360 độ, bên trong buồng lái thì tiện nghi và hiện đại với việc bố tri ba màn hình đa chức năng tinh thể lỏng cho phép phi công quan sát dữ liệu bay, tình trạng vũ khí cũng như thông tin mục tiêu. Một màn hình hiển thị trước mặt phi công có những chức năng tương tự. J-10 cũng có thể sử dụng thiết bị ngắm mục tiêu tích hợp trên mũ bay cho phép phi công phản ứng nhanh trong không chiến.

Tập đoàn công nghiệp Thành Đô tiết lộ J-10 trang bị radar kiểm soát hỏa lực nội địa cho phép theo dõi 10 mục tiêu cùng lúc và tiêu diệt 2 mục tiêu (sử dụng tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar bán chủ động) hoặc 4 mục tiêu (sử dụng tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar chủ động). Có thể loại radar này dựa trên công nghệ Nga hoặc Israel.

J-10 cũng có thể lựa chọn trang bị một số loại radar như: Phazotron Zhuk-10PD (Nga), Elta EL/M-2023 (Israel) và Grifo 2000 (Italia).

Hệ thống vũ khí đa nhiệm

J-10 được thiết kế để thực hiện hai nhiệm vụ không đối không, không đối đất và không đối hạm.

Bên trong thân máy bay trang bị một pháo hai nòng cỡ 23mm thích hợp cho không chiến tầm cực gần. Trong lượng của pháo 23mm khoảng 50kg, dài 1,5 mét, tốc độ bắn tối đa 3.000-3.400 viên/phút, sơ tốc đầu đạn 715 m/s. Pháo bắn các loại đạn thuốc nổ thông thường, đạn vạch đường và đạn xuyên giáp.

Chiến đấu cơ J-10 trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau.
Chiến đấu cơ J-10 trang bị tên lửa không đối không.

Trên cánh và thân máy bay thiết kế với 11 giá treo mang được tên lửa, bom và thùng dầu phụ hoặc các thiết bị hỗ trợ khác.

Trong vai trò đánh chặn trên không J-10 vũ trang:

- Bốn tên lửa không đối không tầm trung PL-11/PL-12, hai tên lửa không đối không tầm ngắn PL-8 và một thùng nhiên liệu phụ 800 lít.

- Hai tên lửa không đối không tầm trung PL-11/PL-12, hai tên lửa không đối không tầm ngắn PL-8 và một thùng nhiên liệu phụ 800 lít.

Trong vai trò tấn công mục tiêu dưới mặt đất:

-Hai tên lửa không đối không tầm ngắn PL-8, sáu bom không điều khiển cỡ 250kg, hai thùng nhiên liệu phụ 1.600 lít và một thùng nhiên liệu 800 lít.

-Hai tên lửa không đối không tầm ngắn PL-8, hai bom dẫn đường bằng laze cỡ 500kg, hai thùng nhiên liệu phụ 1.600 lít, một thùng nhiên liệu 800 lít và thiết bị hỗ trợ ném bom có điều khiển.

Động cơ đáng tin cậy

Dự kiến ban đầu của Trung Quốc là trang bị động cơ tuốc bin phản lực nội địa WP-15 cho J-10 nhưng kế hoạch sản phát triển động cơ bị hủy bỏ. Thay vào đó, J-10 lắp động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Salyut AL-31F của Nga.

Động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy AL-31F.
Động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy AL-31F.

AL-31F được phát triển và sử dụng thành công trên các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 của Nga như Su-27, Su-30MK, Su-33, Su-34… . Phiên bản trang bị cho J-10 là AL-31FN với một số cải tiến phù hợp với cấu trúc thân và cửa hút khí tăng lực động cơ của J-10.

AL-31FN cho phép J-10 đạt tốc độ vượt âm Mach 1,9, bán kính chiến đấu 550km, trần bay 18.000 mét. J-10 cũng thiết kế với cần tiếp nhiên liệu trên không, tăng tầm hoạt động.

J-10 thực hiện tiếp dầu trên không.
J-10 thực hiện tiếp dầu trên không.

Mặc dù, dự án WP-15 bị hủy bỏ nhưng Trung Quốc vẫn muốn trang bị động cơ nội địa cho J-10, giảm sự phụ thuộc vào Nga. Viện nghiên cứu động cơ hàng không Thẩm Dương (hay là viện 606) đảm trách nghiên cứu động cơ WS-10A, có thể được chế tạo dựa trên công nghệ AL-31F.

Đọc thêm