Tìm hiểu về 'chìa khoá' để Việt Nam tiến vào thị trường Hồi giáo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc cung cấp chứng nhận Halal là thị trường tự do trên nhiều nước trên thế giới, sẽ có nhiều đơn vị có chức năng cung cấp chứng nhận Halal, cần phải chọn đơn vị tư vấn và cấp giấy chứng nhận uy tín.
Tìm hiểu về 'chìa khoá' để Việt Nam tiến vào thị trường Hồi giáo

Vừa qua, tại Bến Tre diễn ra Chương trình hội thảo "Xây dựng sản phẩm tiêu chuẩn Halal từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tiếp cận các quốc gia Hồi Giáo" và "Kết nối doanh nghiệp Việt Nam với nhà mua hàng". Tham dự Chương trình, có ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), ông Ramlan Osman - Giám đốc Trung tâm Halal Việt Nam cùng hàng trăm doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến giấy chứng nhận Halal, đây được xem là "giấy thông hành" để xuất khẩu sản phẩm đến các quốc gia Hồi giáo và các nước có người Hồi giáo. Hiện nay nhu cầu sử dụng sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người theo Hồi giáo mà còn vì nhiều người không theo đạo Hồi nhưng vẫn ưa thích các sản phẩm đạt chuẩn Halal.

Ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc ITPC nhấn mạnh tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo

Ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc ITPC nhấn mạnh tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc ITPC nêu rõ đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh nông nghiệp to lớn, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây cả nước. Với tiềm năng to lớn như trên, Việt Nam có cơ hội lớn để tiếp cận với thị trường 57 quốc gia có Hồi giáo, chiếm 25% dân số thế giới.

Nếu tận dụng và phát huy tốt các thế mạnh, Việt Nam sẽ càng ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và có chỗ đứng tại trường thực phẩm Halal toàn cầu. Tuy nhiên, những yêu cầu nghiêm ngặt của Halal là thách thức không hề nhỏ. Từ năm 2020, ITPC đã phối hợp với Thương vụ Malaysia (Matrade), Trung tâm Vietnam Halal tổ chức các chương trình cung cấp kiến thức văn hoá và kinh tế liên quan đến Halal để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận.

Ông Ramlam Osman - Giám đốc Trung tâm Halal Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Ông Ramlam Osman - Giám đốc Trung tâm Halal Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Là diễn giả chính tại hội thảo, ông Ramlam Osman - Giám đốc Trung tâm Halal Việt Nam chia sẻ lần lượt các chuyên đề về tiềm năng của thị trường các nước Hồi giáo; Halal và văn hoá thân thiện với người Hồi giáo; Làm thế nào để phát triển sản phẩm, dịch vụ từ vùng Đồng bằng sông Cửu long cho thị trường Hồi giáo.

Thảo luận tại hội thảo, hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm đến quy trình sản xuất, kiểm định sản phẩm theo Halal và mức phí dao động, chủ doanh nghiệp sẽ bắt đầu từ đâu và bao lâu để đạt chứng nhận.

Nhiều doanh nghiệp quan tâm về quy trình đạt được chứng nhận Halal

Nhiều doanh nghiệp quan tâm về quy trình đạt được chứng nhận Halal

Nhấn mạnh về vấn đề này, ông Ramlam Osman chia sẻ, việc cung cấp chứng nhận Halal là thị trường tự do trên nhiều nước trên thế giới, sẽ có nhiều đơn vị có chức năng cung cấp chứng nhận Halal, cần phải chọn đơn vị tư vấn và cấp giấy chứng nhận uy tín. Nhưng có một điểm chung là mỗi sản phẩm muốn đạt chứng nhận Halal đều phải bắt đầu truy xét từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, đồng thời phải kèm thêm một số loại chứng nhận khác như iso... cùng với sự am hiểu văn hoá và luật Hồi giáo nhất định. Vì vậy sẽ không có mức chi phí cố định để đạt tiêu chuẩn Halal mà sẽ tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của mỗi sản phẩm, doanh nghiệp.

Đọc thêm