Tìm hướng bảo tồn cho nhà cổ Đồng Nai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Các ngôi nhà cổ ở Đồng Nai ẩn chứa những giá trị lịch sử tiêu biểu cho mảnh đất và con người nơi đây, mang những lớp văn hóa của nhiều thế hệ người Việt.
Nhà ở truyền thống là một trong những di sản văn hóa vật thể tiêu biểu của Nam Bộ.
Nhà ở truyền thống là một trong những di sản văn hóa vật thể tiêu biểu của Nam Bộ.

Nhà ở truyền thống của người Việt tại Đồng Nai là một trong những di sản văn hóa vật thể tiêu biểu của đất và người Nam Bộ. Kiến trúc nhà cổ tập trung ở thành phố Biên Hòa (các phường như Quyết Thắng, Hiệp Hòa, Bửu Hòa, Tân Vạn, An Hòa…), huyện Long Thành (thị trấn Long Thành), huyện Nhơn Trạch (các xã Hiệp Phước, Phước Thiền, Phú Hội, Long Tân…), huyện Vĩnh Cửu (các xã Bình Hòa, Tân Bình, Thạnh Phú, Bình Lợi).

Theo điều tra, thống kê của Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, cách đây hơn 20 năm, Đồng Nai có khoảng hơn 400 căn nhà cổ. Nhưng, theo sự tìm hiểu của phóng viên, số nhà cổ hiện tồn đến nay đã giảm đi khá nhiều.

Nhà cổ Trần Ngọc Du ở phường Tân Vạn, TP Biên Hòa được trùng tu, xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Nhà cổ Trần Ngọc Du ở phường Tân Vạn, TP Biên Hòa được trùng tu, xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Một thực trạng tại làng cổ Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) là nơi tập trung khá nhiều nhà ở truyền thống độc đáo, là một trong bốn làng cổ của Việt Nam (Đường Lâm, Phước Tích, Cái Bè) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục xếp hạng di tích làng cổ cấp Quốc gia. Thời gian qua, làng cổ Phú Hội do chưa có sự thống nhất trong công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng đã dẫn đến khó khăn trong bảo tồn không gian kiến trúc, cảnh quan, môi trường của một ngôi làng đặt trưng của Nam Bộ.

Làm một phép so sánh, tính đến nay làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên - Huế) đều đã được công nhận di tích làng cổ cấp quốc gia, được bảo tồn và phát huy hiệu quả. Làng cổ Cái Bè tỉnh Tiền Giang tuy chưa được xếp hạng nhưng nhờ có những căn nhà cổ khá nổi tiếng, hàng năm đã thu hút một lương lớn du khách trong và ngoài nước đến thăm, đem lại nguồn thu khá lớn cho địa phương và người dân.

Còn làng cổ Phú Hội? Hiện số nhà cổ ở đây đã và đang bị mai một, xuống cấp nhiều. Do vậy, nếu không kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập, để bảo tồn gìn giữ các giá trị di sản văn hoá, đặc biệt là các công trình kiến trúc cổ truyền thống, làng cổ Phú Hội sẽ có nguy cơ biến mất.

Để bảo tồn phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hoá nói chung, kiến trúc nhà cổ truyền thống nói riêng, đã đến lúc các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý văn hoá, các nhà nghiên cứu cần khẩn trương vào cuộc đề ra những giải pháp phù hợp nhằm kịp thời tu bổ, gìn giữ các kiến trúc hiện tồn ở Đồng Nai và khai thác một cách có hiệu quả, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan; góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, phát triển văn hoá, du lịch bền vững, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đọc thêm