Bước sang năm 2010, khi nền kinh tế thế giới và trong nước có tín hiệu hồi phục mạnh thì cũng là thời điểm các DN Việt Nam nói chung và DN Đà Nẵng nói riêng sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đi tìm nguyên nhân
|
|||
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại KCN Hòa Khánh luôn thu hút được nhiều nguồn lao động trong nước. TRONG ẢNH: Do thu nhập thấp nên nhiều công nhân thường đến các chợ “cóc” để mua hàng giá rẻ. |
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến hàng nghìn lao động đang làm việc tại các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ (DNVVN) trong nước bị mất việc. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến DN buộc phải cắt giảm lao động là do khủng khoảng kinh tế đã đẩy nhiều DNVVN rơi vào tình trạng khó khăn. Mặt khác, môi trường đào tạo, chương trình đào tạo… cùng với đó là ý thức kỷ luật của người lao động cũng còn nhiều điều đáng bàn đến. Tất cả các yếu tố trên khiến thị trường lao động tiếp tục phải tiếp nhận một nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu. Qua đó đã giảm đi năng lực cạnh tranh của các DNVVN, đặc biệt đối với những DN cần nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngay từ đầu năm 2010, khi nền kinh tế đang dần hồi phục, nhiều DN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã phải liên tục ra thông báo tuyển dụng thêm lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thế nhưng sau nhiều ngày “săn” tìm, hầu hết các DN đều than phiền, để tìm được lao động có tay nghề, có “chất xám” quả là điều quá khó trong giai đoạn hiện nay. Ông Vũ Cao Thương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Phương Nam tại Đà Nẵng cho rằng: Hiện DN của chúng ta thường bị động trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực; mặc dù biết tìm nguồn nhân lực khó khăn, thế nhưng nhiều DN lại chưa ý thức được tầm quan trọng của công tác quản lý và phát triển nguồn nhân lực, cũng như thiếu hẳn cơ chế tài chính rõ ràng để thu hút và giữ được nhân tài trong cơ chế cạnh tranh về nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay.
Ông Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng cho biết: Hiện Đà Nẵng có gần 12 nghìn DN, trong đó số DNVVN chiếm hơn 1 nghìn, và trong năm 2009, do tác động từ cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu, đã có gần 40% DNVVN “suýt” phải giải thể hoặc phá sản. Nếu tính trung bình thì vốn điều lệ ở khối DNVVN tại Đà Nẵng chưa đạt mức 2 tỷ đồng/DN, hơn nữa, nguồn vốn này phải đầu tư vào nhiều thứ như nhà xưởng, dây chuyền sản xuất… và như vậy, vốn để chi phí cho công tác đào tạo nguồn nhân lực dường như rất ít DN chú trọng đến.
Cũng theo ông Thiết, hiện tại các DNVVN Đà Nẵng đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng đối với các chức danh quản lý, còn đối với lao động phổ thông cũng đang là bài toán trăn trở đối với các DNVVN. Theo ông Thiết, sở dĩ có tình trạng này là do chất lượng đào tạo của chúng ta chưa đạt yêu cầu, cơ cấu lao động tiếp tục bất hợp lý là nguyên nhân làm cho thị trường lao động luôn trong tình trạng thừa vẫn thừa - thiếu vẫn thiếu.
DN lo mất lao động
Hiện nay, các DNVVN đang phải đối mặt với một thực tế rất khó khăn, đó là nguy cơ bị các đối thủ hút mất nhân sự giỏi. Đơn cử, ngay sau khi một DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dệt-may “nhảy” vào Đà Nẵng làm ăn, đã có không ít DN cùng ngành phải lao đao vì liên tục bị mất lao động. Giám đốc một Công ty CP Dệt-may trên địa bàn thành phố thừa nhận: DN trong nước thường bị mất lao động mỗi khi có DN nước ngoài nhảy vào là do DN của ta không thể trả lương cao, mặt khác, DN của chúng ta thường chọn giải pháp là tuyển dụng những nhân viên tiềm năng, sau đó mới trang bị và tính chuyện đào tạo cho họ những kỹ năng cần thiết.
Như vậy, nếu không có chính sách thu hút người tài, thì công tác tuyển dụng lao động của DN trong nước sẽ rơi vào thực trạng “bắt tép nuôi cò”.
Giải pháp nào?
Vậy, một câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để các DNVVN giữ được nguồn lao động giỏi trong thời kỳ hậu khủng khoảng, cũng như trong môi trường cạnh tranh khốc liệt về nguồn nhân lực như hiện nay? Ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn và hỗ trợ chiến lược Win-Win cho rằng: Trên thực tế, suy thoái chỉ là tạm thời, trong một giai đoạn nhất định. Xét về tổng thể, trong thời buổi kinh tế tri thức, cạnh tranh giữa các DN thường thể hiện về mặt sản phẩm, kỹ thuật, công nghệ... nhưng thực chất là cạnh tranh về con người vì mọi thứ đều do con người tạo ra. DN nào có người giỏi nắm được tri thức kỹ thuật, biết sáng tạo thì đứng ở thế chủ động. Vì vậy, nhiều DN trong nước đã xem việc thu hút và giữ chân người giỏi là quá trình đầu tư.
Muốn làm được điều này, các DN cần phải quan tâm đến các giải pháp thu hút và tuyển dụng nhân sự, và để thu hút được nhân tài, trước hết các DN cần phải xây dựng cho mình một hình ảnh đẹp trong cộng đồng. Khi đã thu hút được nguồn nhân lực, DN phải hướng dẫn cho nhân viên mới hội nhập nhanh chóng với hoạt động của DN. Ngoài ra, DN phải minh bạch, nhất quán trong chính sách nhân sự, công bằng trong đánh giá nhân lực, tạo cơ hội phát triển như nhau trong công việc và quan hệ làm việc. Để sử dụng nguồn nhân lực hữu hiệu, người quản lý cần phải đánh giá đúng năng lực của từng nhân viên, từ đó có chính sách phân công, phân nhiệm và bổ nhiệm hợp lý.
Sau khi tuyển dụng được lao động giỏi, cần phải có chính sách đào tạo nghề nhằm giúp họ phát triển khả năng trong tương lai, giữ được người tài gắn bó với DN lâu dài. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phải thực sự coi DN là khách hàng, xóa bỏ quan điểm thực hiện đào tạo theo chỉ tiêu được giao. “Chúng ta phải gắn kết được giữa chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo và DN, xây dựng một chương trình và khối lượng đào tạo phù hợp. Đây chính là điểm gặp nhau giữa cung và cầu của bài toán nguồn nhân lực cho DNVVN tại Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung trong thời kỳ hậu khủng khoảng”, ông Đỗ Thanh Năm nói.
Bài và ảnh: Trọng Hùng