Tìm sinh kế cho ngư dân bị ảnh hưởng sự cố Formosa

(PLO) - Theo thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhiều việc cụ thể sẽ được các cơ quan hữu trách thực hiện nhằm hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng do tác động môi trường từ Công ty Formosa, trong đó có công tác dạy nghề, xuất khẩu lao động, việc làm và sinh kế cho ngư dân.  
Ảnh minh họa

Dành cho người dân vùng bị ảnh hưởng xuất khẩu lao động chi phí thấp

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ – TB&XH Doãn Mậu Diệp, hiện nay có một số chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) với chi phí thấp do Bộ trực tiếp triển khai, một số chương trình do các doanh nghiệp triển khai. “Bộ trưởng có hứa các chương trình nào do Bộ triển khai với chi phí thấp sẽ hỗ trợ cho người dân vùng bị ảnh hưởng” – Thứ trưởng Diệp nói.

Cụ thể, Chương trình EPS đi Hàn Quốc mới ký kết lại từ đầu tháng 5/2016, và năm nay chỉ có 3.500 chỉ tiêu nhưng sẽ dành ưu tiên cho những huyện ven biển bị ảnh hưởng. “Một số huyện hiện đang có tỷ lệ cư trú bất hợp pháp cao cũng nằm trong những tỉnh bị ảnh hưởng thì trước mắt Bộ sẽ dỡ bỏ lệnh hạn chế cho lao động các vùng này được tham gia” – ông Diệp thông tin.

Thứ hai là chương trình IM Japan (Nhật Bản) cũng có chi phí rất thấp, những người lao động tham gia chương trình này nếu có đủ điều kiện về sức khỏe, ngoại ngữ sẽ được học trong vòng 6 tháng, tất cả chi phí do Tổ chức IM Japan chi trả. Lương làm việc tại Nhật khoảng 800-1000/tháng. Mỗi một năm làm việc trước khi về nước được tổ chức IM Japan hỗ trợ 2.000 USD/năm, ba năm là 6.000 USD.   Theo ông Diệp, chương trình này hiện nay đang chia đều cho các địa phương nhưng sắp tới Bộ có thể ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng của đợt cá chết vừa rồi.

Bên cạnh đó, Bộ còn triển khai Chương trình đưa điều dưỡng viên đi Nhật và đi Đức. Như vậy, 4 chương trình lớn mà Bộ đang triển khai thì sẽ ưu tiên cho các huyện bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, đối với Hàn Quốc, ngoài Chương trình EPS thì còn có chương trình tàu cá gần bờ, năm nay có khoảng 600 người đi Hàn Quốc được phân bổ cho 8 DN đang làm. Bộ sẽ yêu cầu 8 DN tập trung hỗ trợ 4 tỉnh miền Trung và giao cho Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đàm phán với đối tác.  

Chương trình tàu cá gần bờ với Đài Loan, hiện Bộ đang triển khai tuyển dụng trực tiếp không qua môi giới để giảm thiểu chi phí cho người lao động. Bộ sẽ yêu cầu Trưởng ban Quản lý tại Đài Loan làm việc với các đối tác tăng quota để đưa lao động sang làm việc với điều kiện người lao động đáp ứng các điều kiện về mặt sức khỏe, có mong muốn đi làm việc tại đó.

Người lao động cũng có cơ hội đi làm việc ở Thái Lan sau khi phía Thái Lan chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam theo thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, trước tiên ở nghề cá (đánh bắt gần bờ) và xây dựng trước khi mở rộng sang ngành nghề khác. Điểm lợi khi lao động làm việc tại Thái Lan là gần, chi phí thấp, phía Bộ lao động Thái Lan cũng cam kết không có chi phí môi giới. Về phía Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ đạo 6 DN hiện đang làm thí điểm và 4 Trung tâm dịch vụ việc làm hạn chế chi phí thấp nhất với điều kiện người lao động mong muốn tham gia.

“Về mặt chính sách, chúng tôi cũng sẽ trình Chính phủ cho phép những lao động nào thuộc hộ nghèo bị ảnh hưởng thì áp dụng cơ chế miễn phí đào tạo giáo dục định hướng, đào tạo ngoại ngữ, được hỗ trợ tiền ăn, ở, cấp tiền đi lại trong thời gian đi học...   Đối với những lao động khác không thuộc hộ nghèo thì chúng tôi cũng có thể đề nghị áp dụng như Nghị quyết 61 năm 2015 đối với lao động bị thu hồi đất” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.  

Người dân vùng biển phải có sinh kế từ biển

Trong buổi làm việc ngày 4/7 với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng cần 2 nhóm giải pháp để triển khai hỗ trợ cho bà con vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường nghiêm trọng này.   Thứ nhất, đối với số lao động hiện nay đang đánh bắt gần bờ chuyển sang đánh bắt xa bờ thì đào tạo như thế nào, cho vay vốn ra sao do Bộ NN&PTNN sẽ chịu trách nhiệm. Thứ hai, về sinh kế và những mặt khác như: dạy nghề, xuất khẩu lao động, việc làm thì do Bộ LĐ-TB&XH sẽ triển khai.

Ước tính sơ bộ thì hiện nay có khoảng 263.000 lao động đang bị ảnh hưởng bởi sự cố Fomosa gây ra. Trong đó, 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, 163.000 lao động bị ảnh hưởng gián tiếp.  Được biết, Bộ NN&PTNT cũng đang dự kiến trình Chính phủ cho phép các hộ dân được vay vốn, hỗ trợ lãi suất và cải tạo máy, tăng công suất... và những chính sách đó sẽ được hỗ trợ.

“Mong muốn của chúng tôi là không phải chuyển đổi toàn bộ số lao động này sang nghề khác, bởi những người dân ở vùng biển phải sống được từ nguồn lợi từ biển, sinh kế từ biển. Có thể trong thời gian trước mắt, người dân dành một vài năm làm công việc tương tự tại vùng biển khác, sau đó sẽ quay trở lại vùng biển của mình”- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chia sẻ với báo giới chiều 6/7.     

Đọc thêm