Nghề phơi cá thuê có mặt trên địa bàn các xã ven biển của huyện Thăng Bình khoảng gần 15 năm nay. Nghề này không yêu cầu kỹ thuật cầu kỳ, không đòi hỏi nhiều công sức, “dụng cụ” lao động chính là đôi bàn tay. Nhưng nó góp phần tăng thu nhập cho nhiều thành phần, từ ngư dân trực tiếp đánh bắt hải sản đến chủ xưởng chế biến, từ người làm công đến đơn vị thu mua.
Mưu sinh nhờ nắng
Bắt đầu từ khoảng tháng Ba hàng năm, đều đặn 4h30 mỗi sáng, những người phụ nữ ở xã Bình Minh (huyện Thăng Bình) lại í ới gọi nhau đi phơi cá mướn. Công việc này từ lâu đã trở thành “cần câu cơm” chính của họ.
Giữa trưa hè, hàng chục lao động chủ yếu là phụ nữ vẫn oằn lưng, khiêng vác, phơi cá dưới cái nắng chang chang của xứ biển miền Trung. Các chị luôn phải làm việc trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt.
Nắng trưa, nhiệt độ lên cao từ 38-39 độ C, trời ít gió càng làm cho không khí trở nên ngột ngạt. Gió biển khô rát, mặn chát, mùi cá khô như hòa quyện càng làm tăng cái oi nồng.
Nghề phơi cá thuê có mặt trên địa bàn các xã ven biển của huyện Thăng Bình khoảng gần 15 năm nay. Nghề này không yêu cầu kỹ thuật cầu kỳ, không đòi hỏi nhiều công sức, “dụng cụ” lao động chính là đôi bàn tay.
Nhưng nó góp phần tăng thu nhập cho nhiều thành phần, từ ngư dân trực tiếp đánh bắt hải sản đến chủ xưởng chế biến, từ người làm công đến đơn vị thu mua. Tất cả tạo nên một dây chuyền gia công để đưa con cá bãi ngang đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần giải quyết lao động và nguồn hải sản.
Trên địa bàn các xã Bình Minh, Bình Dương (huyện Thăng Bình), nhiều năm qua đã xuất hiện nhiều xưởng cá luộc với quy mô lớn, mỗi ngày thành phẩm hàng tấn cá xuất cho các đơn vị thu mua. Vậy nên nghề phơi cá mướn phát triển, dần trở thành kế sinh nhai của đông đảo phụ nữ trong vùng.
Cả ngày chang nắng lật cá, mưa xuống lại oằn lưng vác cá chạy mưa. |
Các xưởng cá luộc của ông Kiệt, ông Thắng ở thôn Tân An là hai xưởng có quy mô lớn, tạo công việc cho hàng trăm nữ công nhân phơi cá. Ngoài ra, một số xưởng nhỏ cũng giúp nhiều chị em tăng thu nhập.
“Tôi làm xưởng cá, chuyên thu mua hải sản từ các ghe của ngư dân. Họ đánh bắt rồi về sơ chế, thuê người phơi cá để chuyển hóa thành phẩm. Nhờ vậy cũng tạo được nhiều công ăn việc làm cho chị em phụ nữ ở xã ven biền nghèo này. Tôi thấy vui vì việc mình làm có thêm ý nghĩa”, ông Thắng chia sẻ.
Chị Phan Bích Ngọc (42 tuổi) và nhiều chị em khác ở thôn Hà Bình, xã Bình Minh đều là những “tay” phơi cá có thâm niên cả chục năm cho các xưởng lớn trên. Kể từ khi nghề phơi cá luộc xuất hiện, các chị đã gắn bó với nghề, trở thành “công nhân ruột” của các khu chế biến cá. Đây cũng là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình của nhiều phụ nữ hoàn cảnh đặc biệt như đơn thân hoặc có chồng bị nạn khi đi biển.
Chị Ngọc cho biết thêm: “Làm nghề này phải ở ngoài trời nắng thường xuyên, nhiều người không chịu được, đau ốm liên miên, sức khỏe suy kiệt. Nhưng vì các con, chúng tôi có vất vả đến đâu cũng chịu được, chỉ mong chúng ăn học thành người.
Là hậu phương cho chồng ở đất liền, chúng tôi cần phải cố gắng nuôi dạy con, kiếm thêm thu nhập để đỡ bớt gánh nặng cho chồng, để chồng an tâm bám biển. Ngoài khơi xa, chồng chúng tôi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường”.
Bà Phạm Thị Bưởi (51 tuổi, ngụ xã Bình Minh) có chồng bị mất tích khi đi biển trúng đợt mưa bão. Bà Bưởi đã đi phơi cá mướn được gần chục năm, nuôi bốn người con ăn học, trong đó hai người đã lập gia đình. Bà tâm sự: “Giờ ở đây ai cũng cực khổ, chẳng biết làm chi. Phụ nữ chúng tôi đi phơi cá thuê, ngày kiếm vài ba đồng nuôi mấy đứa nhỏ ăn học, thế là mừng rồi”.
Chục năm đội nắng bám nghề
Khi những người đàn ông giăng buồm ra khơi đánh bắt thì những người phụ nữ ở nhà thay chồng chăm con, kiếm thêm thu nhập bằng nghề phơi cá. Nhiều người vì phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trong suốt thời gian dài nên sức khỏe ngày càng suy kiệt.
Mỗi ngày các chị làm ít nhất 10 tiếng, mỗi tiếng chủ xưởng trả 25-30 ngàn đồng, ăn một bữa trưa và giữa giờ. Nếu làm đêm, tiền công sẽ được tăng thêm 20%.
Nghề phơi cá mướn này chủ yếu làm ngoài trời nắng, nắng càng to, cá phơi càng đạt chất lượng, thành phẩm cá sau khi phơi xong là đạt độ khô đúng chuẩn, để được lâu dài không ẩm mốc. Vì thế, người phơi cá luôn đội nắng gần như suốt ngày.
Người phơi cá “bảo hộ lao động” bằng cách mặc quần áo dày kín mít. |
Với kinh nghiệm của những người sống nhờ nắng, các chị bảo mặc càng “ấm” càng mát, vì thế đồ bảo hộ lao động của các chị chủ yếu là mặc áo ấm nhiều lớp để mồ hôi ra làm mát cơ thể. Người nào cũng kín bưng từ đầu đến chân, chỉ chừa đôi mắt, cứ thế đứng trở cá dưới cái nắng chói chang từ sớm đến giữa trưa hè.
Có những ngày trời mưa giông bất chợt, các chị lại tất tưởi oằn lưng cùng một lúc phải khuân hàng trăm vỉ cá đang phơi đi cất. Nhiều chị vì lo “cứu” cá mà cả ngày quần quật dưới trời mưa lạnh, trong khi trước đó đã chang mình dưới nắng nóng nên ngã bệnh.
“Dù vác nhiều, vác nặng cũng ráng mang cá được vô nhà. Để ngoài trời ướt nhẹp thì coi như công toi. Các vỉ cá nặng cũng phải cố gắng khuân sao cho khéo, nếu để ướt hay rơi cá thì ngày đó coi như mình không có công. Mỗi ngày làm từ sáng đến chiều tiền công là 130-150 ngàn, đối với vùng biển nghèo này coi như cũng đủ sống”, bà Bưởi cho biết thêm.
Thực tế, có không ít người định bỏ nghề vì không chịu nổi cái nắng hầm hập thiêu đốt suốt ngày. Nhưng rồi không biết làm gì mưu sinh, họ lại đành quay lại tiếp tục phơi cá.
Chị Mai Trần Phương Khôi (24 tuổi) gia đình khó khăn, không có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn, từ nhỏ đã theo mẹ đi phơi cá mướn. “Tôi theo mẹ đi phơi cá từ nhỏ, thấy cái nghề này cũng thú vị, tuy da có hơi đen một chút vì đứng ngoài nắng nhiều, nhưng nhờ vậy mà đỡ đần được phần nào kinh tế cho gia đình. Có cái nghề để bám víu còn hơn chẳng làm được gì”, chị Khôi nói.
Rất nhiều phụ nữ các xã ven biển với những hoàn cảnh khác nhau đã cùng mưu sinh bằng nghề phơi cá mướn. Với mức thu nhập trung bình từ 3 đến 5 triệu hàng tháng, nghề này đã góp phần cải thiện đời sống đáng kể, giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình tại địa phương, đồng thời góp phần vào việc tiêu thụ hiệu quả cho sản phẩm đánh bắt của ngư dân.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, thông tin về việc cá chết hàng loạt do nhiễm độc tại các khu vực biển phía bắc miền Trung đã làm ảnh hưởng lớn đến việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm cá tại các xã biển của Quảng Nam. Điều này gây ra thiệt hại lớn về kinh tế của ngư dân, đồng nghĩa nghề phơi cá cũng không được thuận lợi như trước.
Những “nạn nhân” tiếp theo chính là những phụ nữ phơi cá mướn. Họ trở nên nhàn rỗi hơn vì ít việc, cá không bán được, thu nhập giảm sút. Họ cũng mong ngóng thông tin rõ ràng về cá biển để công việc trở lại nhịp độ cũ, để bữa cơm gia đình họ không bị đứt bữa.