Một hệ Mặt trời rộng lớn bao gồm 7 hành tinh quay quanh một ngôi sao giống như Mặt trời vừa được khám phá ở cách trái đất của chúng ta 127 năm ánh sáng. Đây là các hành tinh được cho là lớn nhất từng được phát hiện ngoài Mặt trời. Các nhà thiên văn cũng đã xác nhận sự hiện diện của 5 hành tinh và đưa ra những chứng cứ rõ ràng để khẳng định sự tồn tại của 2 hành tinh nữa. Tiến sỹ Christophe Lovis, người đứng đầu các nhà khoa học tại Đài thiên văn Nam Âu (ESO) cho rằng: “Phát hiện này đã nêu bật thực tế rằng loài người đang bước vào một kỷ nguyên mới trong việc nghiên cứu các hành tinh nằm ngoài hệ Mặt trời: chúng ta sẽ nghiên cứu một hệ thống các hành tinh phức tạp chứ không phải các ngôi sao riêng lẻ”. “Những nghiên cứu về chuyển động của các hành tinh trong hệ thống mới này cho thấy sự tương tác phức tạp giữa các hành tinh và cho chúng ta có cái nhìn sâu hơn vào sự phát triển lâu dài của cả vũ trụ”.
|
Ngôi sao bố mẹ của hệ thống các hành tinh này, có tên gọi là HD 10180, nằm trong chòm sao Thủy Xà (Hydrus) cách chúng ta 127 năm ánh sáng |
Khoảng cách của những hành tinh này đến ngôi sao bố mẹ của chúng được sắp xếp theo quy tắc tương tự như hệ Mặt trời. Các nhà thiên văn đã kiên nhẫn nghiên cứu các hành tinh này trong 6 năm bằng cách sử dụng một thiết bị được gọi là quang phổ ký (HARPS), thiết bị này được gắn vào kính thiên văn của ESO ở La Silla, Chile. Từ 190 phép đo thu được từ HARPS, các nhà thiên văn có thể phát hiện được các rung động nhỏ nhất từ chuyển động của các hành tinh do lực hấp dẫn của chúng gây ra. 5 tín hiệu mạnh nhất thu được đã giúp các nhà khoa học kết luận có 5 hành tinh với kích thước tương tự như sao Hải vương. Những hành tinh này, với chu kỳ quay quanh ngôi sao bố mẹ từ 6 đến 600 ngày, được tách từ ngôi sao bố mẹ và có khoảng cách từ 0,06 đến 1,4 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời. Tiến sĩ Lovis nói thêm: “Chúng tôi cũng có những lý do để tin rằng 2 hành tinh khác cũng có mặt. Hành tinh thứ nhất tương tự như sao Thổ (với khối lượng tối thiểu gấp 65 lần khối lượng Trái đất), quỹ đạo quay là 2,200 ngày. Hành tinh thứ hai nhỏ hơn nhiều, nó chỉ có khối lượng gấp khoảng 1,4 lần so với Trái đất. Nó rất gần với ngôi sao chủ, khoảng cách chỉ khoảng 2% so với khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời. Một năm trên hành tinh này chỉ bằng 1,18 ngày trên Trái đất”. Hành tinh này có nhiều đất đá giống như Trái đất, nhưng có lẽ quá nóng để sự sống có thể tồn tại. Với ít nhất 5 hành tinh có kích thước tương đương sao Hải vương quay xung quanh, hệ thống HD 10180 có những vùng phía trong rộng lớn hơn nhiều hệ Mặt trời của chúng ta. Được biết cho đến nay các nhà thiên văn học đã tìm thấy 15 hệ thống có chứa ít nhất là 3 hành tinh. Trong đó hệ thống cuối được phát hiện có tên gọi là 55 Cancri, với 5 hành tinh bao gồm cả 2 ngôi sao khí khổng lồ. Thông tin chi tiết của phát hiện sẽ được trình bày vào ngày hôm nay (25/08) tại cuộc họp báo tại Đài quan sát Haute-Provence, đông nam nước Pháp.
Theo Song Hà
VNN
VNN