Tín dụng chính sách giúp nâng cao chất lượng cuộc sống DTTS ở Lai Châu

(PLO) - Sáng 4/5, tại Lai Châu, UBND tỉnh Lai Châu phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). 
Ông Dương Quyết Thắng -Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - phát biểu tại Hội nghị

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An cho biết, nằm trong nhóm tỉnh khó khăn nhất cả nước, Lai Châu có đất rộng nhưng địa hình đồi núi, chỉ có 5.000ha đất trồng trọt được, còn lại là núi đá. Kinh tế của Lai Châu cũng còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, có 62 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. 

Nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có chính sách đối với đồng bào DTTS, trong những năm qua UBND tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH Lai Châu trong quá trình hoạt động; chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tỉnh trong công tác triển khai các chương trình tín dụng. 

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 44,87% năm 2007 xuống còn 29,68% năm 2017.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH kiêm Giám đốc chi nhánh tỉnh Lai Châu Hoàng Minh Tế cho biết, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 31/3/2018 đạt gần 1.804 tỷ đồng, tăng gần 1.758 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao; 48.874 hộ vay, tăng 42.905 hộ vay so với thời điểm nhận bàn giao với 62.563 món vay còn dư nợ, trong đó số hộ DTTS đang vay trong các chương trình tín dụng còn dư nợ là 44.977, chiếm 92% số hộ vay vốn. Số món vay là 56.131, chiếm 89,7%/tổng số món vay, tổng dư nợ hộ đồng bào DTTS là 1.582.887 triệu đồng, chiếm 87,7% tổng dư nợ các chương trình trên địa bàn.

Nguồn vốn từ tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung và hộ đồng bào DTTS nói riêng; giải quyết những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và giúp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số dần nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, giúp cho đồng bào DTTS nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, là thông qua sử dụng vốn tín dụng ưu đãi đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.

Ông Lê Sơn Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc – cho biết, chính sách dân tộc đầu tư cho miền núi là đầu tư cho phát triển, trong công tác dân tộc thì xóa đói, giảm nghèo phải đi trước. Bên cạnh nguồn vốn ưu đãi cần phải hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, lồng ghép chuyển giao KHKT, có nhóm hộ, hợp tác xã, liên kết thị trường. Có như vậy mới hiệu quả sẽ tốt hơn. „Ủy ban Dân tộc sẽ rà soát các quỹ còn dư để trình Chính phủ chuyển sang NHCSXH và mong muốn NHCSXH tiếp tục bổ sung nguồn cho vay đối với các hộ đồng bào DTTS” – ông Lê Sơn Hải cho biết.

Để hoạt động tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS tiếp tục phát huy hiệu quả và giúp NHCSXH hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện duy trì nguồn vốn nhà nước đầu tư cho tín dụng chính sách và chuyển cho NHCSXH kịp thời, để NHCSXH có điều kiện chủ động trong việc triển khai cho vay theo chương trình của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành liên quan rà soát xây dựng các chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách tín dụng đặc thù cho vùng, địa phương để ưu tiên, khuyến khích đồng bào định canh, định cư tại chỗ, vừa giúp cho việc phát triển kinh tế bền vững và vừa giữ gìn bản sắc dân tộc... phù hợp với thực tiễn để NHCSXH có thể làm tốt nhiệm vụ được giao. 

Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền các địa phương (trong đó có tỉnh Lai Châu) tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Cuối cùng, ông Dương Quyết Thắng đề nghị cơ quan Dân tộc, các Sở, ngành tại tỉnh Lai Châu tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng, triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, đẩy mạnh chương trình khuyến nông, hỗ trợ xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, mô hình kinh tế hộ, mô hình sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo dễ tiếp cận và tham gia, đồng thời kết hợp với chính sách tín dụng ưu đãi để giúp người nghèo thoát nghèo nhanh, bền vững, nâng cao hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi.

Đọc thêm