Tín dụng chính sách góp phần thay đổi diện mạo Lâm Đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, gần 10 năm qua, nguồn vốn từ tín dụng chính sách đã “bám rễ” sâu, rộng trên những vùng đất khó Lâm Đồng, giúp những người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Ông Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Hiệu quả từ nguồn vốn nhân văn

Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, với 12 đơn vị hành chính cấp huyện; 142 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 4 xã, 72 thôn đặc biệt khó khăn. Dân số của tỉnh khoảng 1,33 triệu người với 47 dân tộc sinh sống, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 24,9% dân số toàn tỉnh.

Ông Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những nguồn lực quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã nỗ lực thực hiện triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương với việc ban hành Văn bản số 4777-CV/TU ngày 23/01/2015 để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tập trung thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. UBND tỉnh, UBND cấp huyện cũng ban hành Kế hoạch để chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương... tổ chức triển khai thực hiện.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đến nay, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị đã đi vào cuộc sống, tác động rất tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và Hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp đã tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng nhất là củng cố Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TT&VV), xử lý nợ đến hạn, quá hạn, lãi tồn đọng, tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay hiệu quả.

Tính từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW đến nay, địa phương đã ủy thác nguồn vốn qua NHCSXH 427 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, gấp 8,14 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị. Ngoài việc hỗ trợ về vốn, ngân sách địa phương còn hỗ trợ NHCSXH trong giải phóng mặt bằng xây dựng trụ sở làm việc 1,6 tỷ đồng; gần 1 tỷ đồng để mua cặp đựng hồ sơ trang bị cho Tổ trưởng Tổ TK&VV trong toàn tỉnh…

Quy mô tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại Lâm Đồng tính đến ngày 30/6/2023 đạt 5.357 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH là 480 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,96% trên tổng nguồn vốn, chiếm 9,3% trên tổng dư nợ của chi nhánh, tăng 52,5 lần so với thời gian ban đầu, xếp hạng thứ 15 của cả nước về tổng nguồn vốn, xếp hạng thứ 17 của cả nước về nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương.

Đặc biệt, hơn 3 năm gần đây (từ năm 2020 đến tháng 6/2023) địa phương đã chuyển ủy thác sang NHCSXH 318 tỷ đồng; quy mô tín dụng chính sách ngày càng được mở rộng, hoàn thiện với 142 điểm giao dịch xã trong toàn tỉnh.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã chuyển tải nguồn vốn hơn 14.000 tỷ đồng của 16 chương trình tín dụng chính sách cho hơn 765.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; tổng dư nợ đến ngày 30/6/2023 đạt 5.156 tỷ đồng/97.638 khách hàng còn dư nợ, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 23,1%.

“Có thể khẳng định, tín dụng chính sách do NHCSXH đã đáp ứng khá toàn diện các nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” - Ông Trần Văn Hiệp nhận định.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng

Vốn chính sách góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng. (Ảnh: Minh Họa - nguồn Cổng TT tỉnh Lâm Đồng).

Vốn chính sách góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng. (Ảnh: Minh Họa - nguồn Cổng TT tỉnh Lâm Đồng).

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hiệp cũng thừa nhận hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn nhiều khó khăn như: hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn nhiều khó khăn như: Nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm chưa nhiều, chưa có cơ chế cho vay đối với hộ có mức sống trung bình; Một số chương trình tín dụng có mức cho vay còn thấp chưa phù hợp với nhu cầu đầu tư và giá cả thị trường…

Theo ông Hiệp, trong những năm tới, Lâm Đồng xác định sẽ tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn đạt mục tiêu đề ra. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ít nhất từ 1 - 1,5%, tỷ lệ thất nghiệp dưới 1,2% và là tỉnh đạt tiêu chí nông thôn mới. Để đạt được các mục tiêu này, việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách có vai trò quan trọng.

Nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho NHCSXH trong thời gian tới, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển NHCSXH trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách và xem xét chuyển các nguồn vốn tín dụng chính sách từ các tổ chức vào một đầu mối của NHCSXH; Tạo điều kiện cho các xã khu vực III, II khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn trong thời gian 3 năm.

Bên cạnh đó, nâng mức vay tối đa đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phù hợp với chi phí thực tế; Xem xét ban hành chính sách tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình tại xã xây dựng nông thôn mới để người dân được tiếp cận thêm nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đọc thêm