Tín hiệu mới từ công tác xuất khẩu lao động

Năm 2009, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và nhiều nguyên nhân khác, nên công tác XKLĐ trong toàn tỉnh chỉ được 120 người đi làm việc ở nước ngoài.

Năm 2009, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và nhiều nguyên nhân khác, nên công tác XKLĐ trong toàn tỉnh chỉ được 120 người đi làm việc ở nước ngoài.Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2010 này, công tác XKLĐ đã có tín hiệu hoàn toàn mới với kết quả đã đưa được 600 người đi XKLĐ, hoàn thành chỉ tiêu tỉnh đề ra trong năm 2010.

Để có được kết quả nêu trên, ngay từ đầu năm 2010, UBND tỉnh đã rất kiên quyết chỉ đạo việc triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác XKLĐ, Sở LĐ - TB & XH đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác XKLĐ đến cuối năm. Phấn đấu bằng mọi giá phải đạt chỉ tiêu, kế hoạch tỉnh giao với 600 lao động đi XKLĐ. Cụ thể, ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân về các chính sách hỗ trợ cho người lao động khi tham gia công tác XKLĐ. Làm thay đổi nhận thức của người lao động về XKLĐ không phải chỉ vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mà còn vì một giải pháp quan trọng tác động đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Đồng thời, nó còn là quá trình phân công lại lao động xã hội từ khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động công nghiệp và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng cao tại các khu, điểm công nghiệp, các dự án, các nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sau khi lao động hết thời hạn đi làm việc ở nước ngoài trở về.

Theo số liệu báo cáo mới nhất, đến thời điểm này, đã có huyện đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đó là huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai và Đạ Tẻh.Tổng số lao động trong tỉnh đã xuất cảnh đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Đông, Israrel, Nga... với trên 588 người và hiện có hơn 20 lao động đang hoàn thiện hồ sơ, dự kiến sẽ xuất cảnh vào cuối tháng 12/2010. Trong đó, Đức Trọng vẫn là huyện dẫn đầu với 85 lao động đã xuất cảnh, trong đó có 28 lao động là người dân tộc thiểu số. Lâm Hà với 82 người đã xuất cảnh, trong đó có 32 người đi làm việc tại Hàn Quốc, là thị trường đòi hỏi trình độ tay nghề rất cao, thông thạo tiếng Hàn và cho thu nhập rất cao.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang hoạt động và triển khai khá tích cực như: Công ty Cổ phần dịch vụ dầu khí Sài Gòn, SoVilaCo, Haindeco, Emico, Công ty Trường Sơn, Sài Gòn Tourist... Các công ty hiện vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn tại xã, cụm xã, tham gia công tác tư vấn, tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm với tổng số trên 1.200 lao động đăng ký đi XKLĐ.Để thu hút và đưa được nhiều lao động có tay nghề cao đi XKLĐ, được sự cho phép của tỉnh và cơ quan chức năng, nhiều đơn vị doanh nghiệp XKLĐ đã chủ động phối hợp với các Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, Cao đẳng nghề Đà Lạt, Trung tâm Dạy nghề Di Linh, Đạ Huoai... để tư vấn cho số sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa có việc làm đi XKLĐ.

Tuy nhiên, nhìn nhận và đánh giá về công tác XKLĐ tại địa phương, ông Hoàng Bình - Phó Giám đốc Sở LĐ - TB & XH chi rằng: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, cùng với các chính sách hỗ trợ XKLĐ của tỉnh đã ban hành với rất nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, với kết quả đạt được nêu trên vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của địa phương. Phân tích kỹ một số nguyên nhân về vấn đề này, ông Hoàng Bình cho rằng: hậu quả của tình trạng lao động bỏ về nước trước thời hạn ở thị trường Malaysia đến nay tại nhiều địa phương vẫn chưa giải quyết xong dứt điểm nên vẫn còn ảnh hưởng đến tâm lý người lao động nói chung, nhất là thị trường Malaysia.Một số địa phương chưa thất sự quyết liệt trong chỉ đạo đẩy mạnh công tác XKLĐ, có khi chỉ ban hành quyết định phân bổ chỉ tiêu về xã là coi như xong trách nhiệm. Chưa tăng cường phối hợp giữa phòng LĐ - TB & XH với các đoàn thể tại cơ sở để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Một số doanh nghiệp XKLĐ có tư vấn về thị trường có thu nhập cao nhưng chi phí lại quá lớn, không phù hợp với người dân nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Nguyệt Thu

Đọc thêm