Bạc Liêu tích cực phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

(PLVN) - Ngay từ trước và sau Tết Nguyên đán 2020, địa bàn tỉnh Bạc Liêu nắng nóng kéo dài, mực nước trên các trục kênh nội đồng ở các vùng sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh xuống rất thấp, dẫn đến nguy cơ hàng chục ngàn ha trà lúa đông xuân thiếu nước. 

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (mặc áo vest đen) và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung (người thứ nhất từ phải sang) kiểm tra công trình cống Âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (mặc áo vest đen) và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung (người thứ nhất từ phải sang) kiểm tra công trình cống Âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).

Chống hạn hán, xâm nhập mặn cho người dân

Theo dự báo do ảnh hưởng của hạn hán xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020, nên vụ lúa Đông Xuân dự kiến sẽ giảm còn 42.829 ha (giảm 5.400 ha so kế hoạch đầu năm ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt tập trung ở phía Tây trục kênh Vĩnh Phong (thị xã Giá Rai) và diện tích ven theo các cống thuộc Tiểu vùng giữ ngọt (phần diện tích khoảng 500 mét dọc theo các cống Quốc lộ 1A và dọc theo các cống phân ranh mặn, ngọt). 

Cống Nam Kiệu trên trục kênh Quản lộ Phụng Hiệp thuộc địa bàn huyện Hồng Dân cùng địa bàn thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng sẵn sàng đối phó với hạn mặn.
Cống Nam Kiệu trên trục kênh Quản lộ Phụng Hiệp thuộc địa bàn huyện Hồng Dân cùng địa bàn thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng sẵn sàng đối phó với hạn mặn. 

Do đó, Bạc Liêu là tỉnh nằm ở cuối nguồn nước ngọt được cấp về từ dòng Mê Kông lại giáp với biển nên nguy cơ thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đến nay diện tích bà con nông dân đã xuống giống gần 48.000 ha.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu đang tập trung triển khai quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn có hiệu quả để bảo vệ sản xuất vụ lúa Đông Xuân cho người dân. 

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu phối hợp và hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện kịch bản 02 trên từng địa bàn. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tổ chức 70 lớp tập huấn phòng, chống hạn hán xâm nhập mặn cho người dân; tuyên truyền vận động người dân không xuống giống ở những nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt. Điều tiết nước vào khu vực thị xã Giá Rai qua các cống nhỏ để cung cấp nước mặn cho khu vực thị xã Giá Rai, huyện Phước Long nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới. 

Những cánh đồng nhờ chủ trương phòng chống hạn mặn tốt trên địa bàn huyện Hồng Dân, Bạc Liêu.
 Những cánh đồng nhờ chủ trương phòng chống hạn mặn tốt trên địa bàn huyện Hồng Dân, Bạc Liêu.

Đã cho mở cống Giá Rai (mở 3 của) và cống Hộ Phòng (mở 3 cửa) từ ngày 24/1/2020 (30 tết) đến ngày 28/01/2020 (mùng 4 tết) để kéo khối nước mặn 2,50/00 tại ngã tư Ninh Quới về hướng Phước Long (kết hợp xả nước mặn bị ô nhiễm) để hạn chế mặn xâm nhập qua ngã tư Ninh Quới.

Đồng thời mở được  các cống Sáu Tàu, Tư Tảo (mở chiều 30 tết), phối hợp với Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng)  mở cống Năm Kiệu (mở sáng mùng 2 tết), Cống Đá (mở liên tục từ tháng 12 năm 2019 đến nay) để tiếp nước ngọt về Bạc Liêu.

Đến ngày 28/01/2020, đã đóng các cống Sáu Tàu, Tư Tảo (Bạc Liêu) và cống Năm Kiệu (Sóc Trăng) do tại khu vực ngã Tư Ninh Quới đã có khối nước mặn 2,5%.

Cống âu thuyền Ninh Quới, Hồng Dân, Bạc Liêu đã sẵn sàng đối phó với hạn mặn xảy ra.
 Cống âu thuyền Ninh Quới, Hồng Dân, Bạc Liêu đã sẵn sàng đối phó với hạn mặn xảy ra.

Trước đó, ngày 27/01/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 vận hành tạm thời Cống Âu thuyền Ninh Quới (Hồng Dân) để ngăn mặn xâm nhập qua  khu vực thị xã Ngã Năm - Sóc Trăng; phối hợp với Sở Tài chính xem xét cho các huyện, thị xã, thành phố tạm ứng kinh phí ngân sách dự phòng để các địa phương chủ động trong công tác phòng chống hạn hán xâm nhập mặn.

Hiện nay tình hình nguồn nước vùng Bắc Quốc lộ 1A  vẫn an toàn. Bạc Liêu chưa có thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.       

Giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thòi gian tới, áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm cho lúa Đông Xuân năm 2019-2020. Tập trung gia cố bờ bao để giữ nước, tích cực bơm trữ nước ngọt lên ruộng.

Áp dụng đại trà biện pháp tưới nước tiết kiệm cho cây lúa. Trong trường hợp khẩn cấp, toàn tỉnh sẽ tiến hành đắp hệ thống 380 đập tạm để tổ chức bơm chuyền trữ nước ngọt cho vụ Đông Xuân.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung.
 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung: Trước nguy cơ thiếu nước ngọt do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, các địa phương không được chủ quan, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc tuyên truyền, định hướng sản xuất, giúp nông dân giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.

Kế hoạch, kịch bản của tỉnh, huyện đã có, cái cần làm hiện nay chính là các ngành, các địa phương phải cùng vào cuộc với quyết tâm hạn chế thấp nhất các thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Mở các cống lấy nước mặn từ đầu tháng 02 năm 2020 ở các cống lớn (Giá Rai, Hộ Phòng), phục vụ cho nuôi trồng thủy sản khu vực chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A. Thực hiện lấy nước mặn vào những ngày nước triều biển Đông, cho mỗi đợt từ 5 đến 6 ngày và không trùng với ngày triều cường biển Tây.

Do đó, đề nghị các hộ nuôi trồng thuỷ sản có kế hoạch gia cố bờ bao, bơm trữ nước mặn vào ao lắng, đầm, vuông, theo dõi tình hình điều tiết nước và chủ động hơn trong sản xuất; Khu vực 5 Ngã tại thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) vẫn còn nước ngọt, mực nước trên trục Quản Lộ Phụng Hiệp (tại Ngã Năm) đang có cao trình +0,20 mét, vẫn còn tiếp được nước ngọt về Bạc Liêu.   

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (đứng thứ nhất từ trái sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung (đúng thứ nhất từ phải sang) kiểm tra cánh đồng lúa tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (đứng thứ nhất từ trái sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung (đúng thứ nhất từ phải sang) kiểm tra cánh đồng lúa tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. 

Cụ thể, tháng 02, 03 và tháng 04/2020, nếu xảy ra nguy cơ xâm nhập mặn, những ngày triều cường biển Đông (01 tháng 02 lần, mỗi lần 5- 6 ngày) không mở cống lớn Giá Rai, Hộ Phòng lấy nước mặn vào, mà chỉ đóng cống, hoặc xổ nước ra 1 chiều; những ngày triều kém và triều trung bình mở cống lấy nước mặn vào. 

Phối hợp với tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau trong công tác đo đạc, quan trắc, thông tin tình hình xâm nhập mặn và vận hành hệ thống cống (khi có nước ngọt trên kênh Quản lộ Phụng Hiệp thì mở các cống ở Sóc Trăng và Bạc Liêu để lấy nước ngọt, khi mặn thì đóng các cống không cho mặn xâm nhập vào vùng ngọt ổn định của 2 tỉnh; các cống ở tỉnh Cà Mau đóng, mở như các cống Giá Rai, Hộ Phòng ở tỉnh Bạc Liêu).

Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để vận hành tạm thời cống âu thuyền Ninh Quới khi nước mặn có khuynh hướng xâm nhập qua Ngã Năm - Sóc Trăng.

Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu trình Trung ương xin hỗ trợ kinh phí chống hạn, xâm nhập mặn để bảo vệ sản xuất nông nghiệp mùa khô năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (mặc áo vest đen) và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung (người thứ nhất từ phải sang) kiểm tra công trình cống Âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
 Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (mặc áo vest đen) và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung (người thứ nhất từ phải sang) kiểm tra công trình cống Âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).

Trong đợt kiểm tra về công tác ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 09/2/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao việc chủ động ứng phó của các địa phương, đặc biệt đánh giá cao Ban Quản lý và đơn vị thi công công trình Cống âu thuyền Ninh Quới (Hồng Dân, Bạc Liêu) đã đẩy nhanh tiến độ kịp thời vận hành điều tiết nước, kiểm soát mặn - ngọt, giúp người dân an tâm sản xuất./.   

Đọc thêm