Bảo vệ di sản văn hóa Cố đô Huế gắn với bảo tồn cảnh quan sông Hương

(PLO) - Ngày 20/03, tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra hội thảo quốc tế với chủ đề: “Quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, hệ thống sinh thái lịch sử tại các lăng tẩm Hoàng gia triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông hương” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Đô thị và vùng, Đại học Waseda Nhật Bản tổ chức.
Toàn cảnh buổi Hội thảo do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức
Toàn cảnh buổi Hội thảo do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh uỷ; Bà Nguyễn Thị Ái Vân, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế; PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Việt Nam; cùng đại diện các cơ quan ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế và các nhà nghiên cứu đến từ Viện Quy hoạch Đô thị và Vùng, ĐH Waseda Nhật Bản.

Hội thảo nhằm báo cáo và đánh giá kết quả chương trình hợp tác nghiên cứu về cảnh quan văn hóa và môi trường sinh thái lịch sử tại các lăng mộ Hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương, giai đoạn 2014 – 2018. Khu vực nghiên cứu tập trung chủ yếu vào bốn cụm lăng tẩm hoàng gia đầu triều Nguyễn (lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức), trong đó đặc biệt tập trung vào khu vực lăng Gia Long và vùng phụ cận cùng khu vực thượng nguồn sông Hương.

Hội thảo có lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các chuyên gia và nhà nghiên cứu về tham dự

Hội thảo có lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các chuyên gia và nhà nghiên cứu về tham dự

Theo đó, cụm lăng tẩm Hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương là một khu vực có giá trị to lớn về nhiều mặt, xứng đáng để được công nhận là di sản thế giới bởi những yếu tố đa dang được lồng ghép một cách toàn diện và quy tụ quanh hệ sinh thái tự nhiên trải dọc theo sông Hương từ Kinh thành Huế đến các lăng tẩm Hoàng gia và hệ thống làng mạc dân cư.

Tại hội thảo các nhà quản lý, chuyên gia và các nhà nghiên cứu còn trình bày những bài tham luận chuyên môn và những ý kiến trao đổi, nhằm mục đích chia sẻ kết quả nguyên cứu của hai bên về những giá trị, đặc điểm, tiềm năng của cảnh quan văn hoá và môi trường lịch sử-sinh thái.

Các chuyên gia với các nhà quản lý, các học giả, các nhà nghiên cứu cũng thảo luận, trao đổi quan điểm bảo vệ vùng đệm cảnh quan văn hóa nhằm mục đích bảo vệ tính toàn vẹn, duy trì và phát triển bền vững các giá trị văn hóa-lịch sử, cảnh quan, môi trường của các lăng tẩm Hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương nhằm xây dựng phương án thích hợp bảo tồn cảnh quan cho khu vực di sản. Qua đó, thiết lập mô hình du lịch sinh thái tại lăng vua Gia Long, một trong những kết quả nghiên cứu hợp tác giữa HMCC và WIURS gia đoạn 2014-2018.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm

Như vậy, kết quả của hội thảo này sẽ được xem xét bổ sung vào hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Huế với tiêu mới là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới. Ngoài ra, hội thảo sẽ là diễn đàn để các học giả, nhà nghiên cứu và nhà quản lý địa phương chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp những ý kiến bổ ích, nhằm trao đổi quan điểm bảo tồn cảnh quan văn hóa của vùng đệm di sản. Từ đó, tiến đến xây dựng phương án và chính sách bảo vệ sự tòa vẹn, duy trì và phát triển các giá trị văn hóa – lịch sử, cảnh quan và môi trường, nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, quản lý di sản gắn với phát triển du lịch một cách bền vững tại Đô thị Di sản Huế.

Đọc thêm