Cần "cứu" làng nghề ở Vĩnh Phúc trước nguy cơ thất truyền

(PLVN) - Không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, các làng nghề còn góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều thế hệ lao động nông thôn.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 77 làng nghề, trong đó nhiều làng nghề tồn tại lâu đời và trở thành các làng nghề tiêu biểu được cả nước biết đến như: Gốm Hương Canh, rèn Lý Nhân, đá Hải Lựu, mộc Bích Chu, Thanh Lãng, Yên Lạc, rắn Vĩnh Sơn, đan lát Triệu Đề, Cao Phong…

Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân.

Tuy nhiên, nhiều làng nghề hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ có nguy cơ mai một. Với sự phát triển của nền kinh tế, công nghiệp hiện đại, nhiều sản phẩm của các làng nghề gặp khó trong vấn đề đầu ra, không có người kế nghiệp, khó cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp trên thị trường… điều này dẫn đến nguy cơ thất truyền nếu không được trợ giúp kịp thời.

Có thể kể đến như làng nghề gốm Hương Canh. Gốm Hương Canh có chất lượng tốt, độ bền cao, cộng với sự kết hợp tài tình giữa tinh hoa của gốm sành với nghệ thuật đương đại, các sản phẩm làng gốm truyền thống Hương Canh (Bình Xuyên) mang một vẻ đẹp rất riêng, rất khác, khó có thể hòa lẫn. Sản phẩm được biết đến trên khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí đến nay còn được xuất khẩu ra nước ngoài.

Làng nghề gốm Hương Canh có nguy cơ thất truyền nếu không được trợ giúp kịp thời.
 Làng nghề gốm Hương Canh có nguy cơ thất truyền nếu không được trợ giúp kịp thời.

Thế nhưng, thực tế hiện nay làng nghề gốm Hương Canh chỉ còn 7 hộ làm nghề và cũng đang trong cảnh hoạt động cầm chừng vì nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu khu sản xuất tập trung, các hộ làm nghề phải tận dụng sân, vườn, lề đường… để làm nơi sản xuất, trưng bày sản phẩm, tập kết nguyên liệu; không gian ngổn ngang, chật chội..., khiến quá trình sản xuất, sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, một số hộ làm nghề còn luôn trong tình trạng thiếu chủ động về nguyên liệu bởi chưa có vùng khai thác đất sét. Chính vì lẽ đó, nhiều hộ không thể mở rộng quy mô dù có nhiều triển vọng về đầu ra cho sản phẩm.

Tương tự như làng nghề mây tre đan, trước đây có tới hơn 850 hộ gắn bó với nghề thì đến nay chỉ còn 300 hộ. Với nhiều người dân trong làng, nghề mây tre đan chỉ là một nghề phụ, tranh thủ lúc nông nhàn, không mang lại thu nhập cao.

Chính vì vậy, thế hệ trẻ không còn tâm huyết với nghề truyền thống của cha ông; lao động làng nghề chủ yếu là người già, phụ nữ trung niên. Mặt khác, nguồn nguyên liệu hiện cũng trở nên khan hiếm do diện tích trồng tre ngày càng giảm.

Ngoài đối diện với nguy cơ mai một, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh còn đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Điển hình như làng nghề mộc Thanh Lãng (Bình Xuyên) hiện có gần 1.700 hộ sản xuất kinh doanh hàng mộc thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng, chiếm hơn 50% số hộ toàn thị trấn. Mặc dù quy mô sản xuất của người dân ngày càng được mở rộng, nhưng công tác bảo vệ môi trường lại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến môi trường làng nghề ngày càng bị ô nhiễm.

Các hộ kinh doanh thường tận dụng cả vỉa hè, lòng đường làm nơi sản xuất hoặc sản xuất trong khuôn viên gia đình nhưng dùng quạt thổi trực tiếp ra ngoài đường làm cho môi trường ngột ngạt và khó chịu, nhất là khi các hộ thực hiện công đoạn chà gỗ, phun sơn.

Làng nghề mộc gây ô nhiễm môi trường đặc biệt trong các công đoạn chà gỗ, phun sơn...
Làng nghề mộc gây ô nhiễm môi trường đặc biệt trong các công đoạn chà gỗ, phun sơn... 

Còn tại xã Tề Lỗ (Yên Lạc), hiện có khoảng 500 hộ, cơ sở đang hoạt động sản xuất kinh doanh tháo dỡ ô tô, xe cơ giới các loại, thu hút sự tham gia của hơn 2.000 lao động trong và ngoài xã. Tuy nhiên, hoạt động của làng nghề cũng đã và đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng, bởi trong quá trình tháo dỡ máy móc, động cơ đã thải ra môi trường một lượng lớn chất thải như: Dầu nhớt, kính, nhựa, cao su…Bên cạnh đó, những âm thanh của máy móc, động cơ phát ra khiến cho làng nghề luôn ồn ào, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân địa phương.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, các làng nghề không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều thế hệ lao động nông thôn.

Để khắc phục tình trạng mai một, thất truyền các làng nghề, những năm qua, các ngành chức năng đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách như: Khôi phục, hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp; quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề; hỗ trợ đào tạo thợ lành nghề, truyền nghề; khuyến khích đầu ra cho sản phẩm; ưu đãi về thuế, vốn vay cho hộ sản xuất….

Bên cạnh đó, để các làng nghề truyền thống hoạt động ổn định, hiệu quả, và đặc biệt không ảnh hưởng đến môi trường, thời gian tới, ngành chức năng tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học công nghề, xử lý ô nhiễm môi trường cho các làng nghề.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp, hành vi vi phạm. Đồng thời, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư các thiết bị phòng ngừa, hạn chế, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Đọc thêm