Người dân trên địa bàn huyện Nghi Xuân và Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) bày tỏ bức xúc khi những năm gần đây việc khai thác đất, đá với mật độ xe quá khổ lưu thông dày đặc ở các địa phương này khiến môi trường ô nhiễm, mặt đường bị cày xới, xuống cấp nhanh chóng...
Thực tế tại thôn Cường Thịnh, xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân), phóng viên ghi nhận đoàn xe ô tô chở đầy đất đá nối đuôi nhau ngược xuôi, ra vào khu mỏ đang khai thác tại địa phương. Các hộ dân sống bên đường phải dùng bạt để che đậy nhà cửa tránh bụi bay vào nhà.
Tại khu khai thác đất, máy xúc hoạt động hết công suất phục vụ dòng xe nối đuôi nhau vào “ăn hàng”. Con đường khoảng gần 1km nối từ đường ven biển Cửa Hội – Thạch Khê vào khu mỏ tại thôn Cường Thịnh “ổ voi ổ gà” chằng chịt, có đoạn mặt đường bị phá nát. Cây cối hai bên đường bụi phủ vàng.
Dù xe tải liên tục xả bụi nhưng suốt buổi chiều phóng viên có mặt tại Cường Thinh, không thấy xe tưới nước nào tưới cho đường...
Gia đình bà Tô Thị Lý trú tại xóm Cường Thịnh, huyện Nghi Xuân thường xuyên phải đóng kín cửa vì quá bụi |
Bà Tô Thị Lý, nhà ngay đầu đường ra vào khu mỏ cho biết “Từ ngày các mỏ đi vào khai thác, gia đình tui gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Gia đình phải mua bạt về che đậy trước nhà và các vật dụng trong gia đình cho khỏi bụi”.
Bà cho biết thêm: “Môi trường ô nhiễm như thế nhưng gia đình tui và các hộ dân khác chỉ được “đền” bằng bụi bay vào nhà mà thôi”.
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Anh Lý, Chủ tịch UBND xã Xuân Liên cho biết, khu mỏ hiện do hai doanh nghiệp là Hợp tác xã Bình Minh và Công ty TNHH Thanh Ngọc khai thác và quản lý, chính quyền xã cũng đã nhiều lần có ý kiến về thực trạng người dân phản ánh nhưng "đâu lại vào đấy".
Ngày 20/7 - 22/7/2020, trên con đường liên huyện từ QL8 đi qua xã Kim Hoa nối 2 huyện Hương Sơn và Vũ Quang dài chừng 9km, các xe tải nối đuôi nhau ra vào 3 mỏ đất trên địa bàn. Phóng viên ước tính, hàng ngày có hàng trăm lượt xe ra vào đây.
Các phương tiện mang nhiều biển kiểm soát các tỉnh khác nhau như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương…, hầu hết đều được chủ xe cơi nới thành thùng cao thêm 20 – 30cm và chở vượt thùng. Nhiều xe không phủ bạt kín, đất đá rơi vãi dọc đường.
Đặc biệt, có những xe chất đầy đá hộc, không ít viên đá to rơi xuống nằm ngổn ngang trên đường. Đi sau những xe tử thần này, người tham gia giao thông "giật mình thon thót". Con đường gần 9km “bầm dập”, lồi lõm “ổ voi, ổ gà”.
Hình ảnh: Đường liên huyện đi qua xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn bị "băm nát" vì xe quá khổ chạy trên đường |
Theo phản ánh của người dân địa phương," thi thoảng có lực lượng chức năng đến kiểm tra nhưng không hiểu sao tình trạng xe quá khổ, chở vật liệu rơi vãi vẫn không bị xử lý".
Ông Võ Văn B (trú tại thôn Tường Thủy) than thở: “Các mỏ này hoạt động nhiều năm nay, xe cộ vào chở đất, đá chạy trên đường đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân, rất bụi bặm. Nhiều lúc, bụi quá người dân trong xóm phải kéo nhau ra chặn xe không cho chạy. Chính quyền về làm việc, mỏ đá hứa khắc phục nhưng rồi đâu lại vào đấy. Từ 2 – 3 giờ sáng xe đã chạy ầm ầm, chạy liên tục cả ngày, người dân mệt mỏi với xe cộ kiểu này lắm. Nhà tui nhiều hôm không lau chùi được mà phải lấy vòi nước xịt mới sạch vì bụi bám một lớp dày”.
Xe chở đá ngất ngưởng chạy trên đường rất nguy hiểm cho phương tiện và người lưu thông phía sau. |
Đất đá rơi vãi trên đường |
Cũng theo phản ánh của người dân, khi xe chở đất đá bị chặn đường, thì xe tưới nước xuất hiện. Nhưng nước chỉ được tưới một số đonạ đường. Học sinh mỗi ngày đi học về, quần áo, mặt mũi lấm lem bụi đất…
Ông Phan Văn Đoài, Chủ tịch xã UBND xã Kim Hoa thông tin, trên địa bàn xã hiện có 3 mỏ của 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác. Công ty TNHH Hùng Bình khai thác đá tại núi Nắp Trình, xã Sơn Thủy cũ (nay là xã Kim Hoa); Công ty TNHH Sơn Nguyệt khai thác đá xây dựng tại Sơn Thủy; Công ty cổ phần Đại Long khai thác đá xây dựng tại khu vực núi Long Cao.
Điều đáng chú ý, phóng viên ghi nhận, ngoài xe chở đá xây dựng ra thì có rất nhiều xe chở đất lăn bánh theo đường liên huyện ra Quốc lộ 8 rồi toả đến các công trình tiêu thụ đất. Đến bao giờ những đoàn xe quá khổ, quá tải trên mới thôi lộng hành, xả bụi ra môi trường, mới thôi "đe dọa" người đi đường?.