Hải Phòng: Hiệu quả thiết thực của mô hình “Bục gác an ninh”

(PLO) - Xây dựng môi trường xã hội an toàn, kỷ cương để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả về công tác trật tự trị an đã được Quận ủy và UBND quận Hải An triển khai, trong đó nổi bật là mô hình “Bục gác an ninh”. 
Hải Phòng: Hiệu quả thiết thực của mô hình “Bục gác an ninh”

Sáng kiến thiết thực

Phường Đằng Lâm được xác định là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự (ANTT). Những năm trước đây, trên địa bàn thường xảy ra các loại tội phạm như: trộm cắp đêm, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, cướp giật. Trước tình hình trên, từ cuối năm 2014, Công an phường Đằng Lâm đã báo cáo Đảng ủy, UBND phường đề xuất tổ chức thực hiện mô hình “Bục gác an ninh” tại 3 tổ dân phố là tổ dân phố Thư Trung 1, Thư Trung 2 và tổ dân phố Lực Hành.

Với gần 1.200 hộ dân, cư trú tập trung trên đường Ngô Gia Tự, Trung Lực và ngõ 333 Văn Cao, khu vực 3 tổ dân phố này vốn là điểm nóng về ANTT trên địa bàn phường Đằng Lâm. Do đó, ý tưởng xây dựng “Bục gác an ninh” của công an phường Đằng Lâm đã nhận được sự nhất trí cao của nhân dân và Đảng ủy, UBND phường.

Bục gác an ninh đã được triển khai tại các đầu ngõ từ 22 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau. Trong khoảng thời gian các bục gác hoạt động, khi thấy đối tượng lạ mặt, có hành tung đáng nghi, người trực chốt gác phải điện thoại hoặc dùng bộ đàm báo ngay cho công an phường xuống kiểm tra, xử lý.

Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai thực hiện, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội ở các tổ dân phố giảm rõ rệt, số vụ phạm pháp hình sự giảm so với trước khi triển khai, tình trạng trộm cắp ban đêm bị chặn đứng. Từ hiệu quả thực tiễn, đến nay mô hình “Bục gác an ninh” đã tiếp tục được UBND phường Đằng Lâm nhân rộng ở các tổ dân phố còn lại như: An Khê 1, Kiều Sơn, Trung Hành 6, Trung Hành 7, Trung Hành 8. 

Một cán bộ phường Đằng Lâm chia sẻ,  để huy động nhân dân tích cực tham gia thực hiện mô hình “Bục gác an ninh” trên địa bàn, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng ngừa, trấn áp các loại tội phạm, lãnh đạo UBND phường Đằng Lâm đã huy động 120 cán bộ của các ban, ngành đoàn thể và lực lượng bảo vệ dân phòng tham gia các chốt gác và thực hiện 660 ca chốt tại các Bục gác an ninh. Trong quá trình thực hiện, vị trí các bục gác được thay đổi, đảo linh hoạt theo đặc thù địa bàn và thời gian, tạo nên một thế trận an ninh “gọng  kìm” khép kín ngăn chặn kịp thời nhiều vụ trộm cắp và phạm pháp có dấu hiệu hình sự. 

Điển hình, đêm 5/2/2016, bục gác an ninh ở đường Kiều Sơn cùng Công an phường tuần tra trên đường  Kiều Sơn, phát hiện Phạm Vân, sinh năm 1985, thường trú tại 1E/311 Đà Nẵng, Cầu Tre, Ngô Quyền, mang theo 2 mỏ lết, 5 vam phá khóa, 1 kìm cắt, 1 đèn pin, 1 que gẩy bi khóa tự chế. Qua đấu tranh, Phạm Vân khai nhận mang theo các dụng cụ để trộm cắp ở khu vực Kiều Sơn nhưng chưa thực hiện được thì bị phát hiện, đưa về Công an phường lập hồ sơ, xử lý.

Tiếp đó, khoảng 3 giờ ngày 7/4, “Bục gác an ninh” ở ngã 4 đường Lực Hành - Trung Hành phát hiện Nguyễn Hoài Linh, sinh 1981, ở Đằng Giang và Nguyễn Việt Anh, sinh 1994, ở Đông Khê, Ngô Quyền, mang theo túi dụng cụ chuyên dùng để phá khóa đã nhanh chóng thông tin cho tổ tuần tra Công an phường kiểm tra. Qua đấu tranh, các đối tượng trên khai nhận đi “tăm tia” để trộm cắp tài sản, trong đó đối tượng Nguyễn Hoài Linh đang có lệnh bắt khẩn cấp của Công an quận Ngô Quyền.

Vì sự bình yên cuộc sống

Bác Nguyễn Thu Hiền, người dân tổ dân phố Thư Trung 1 cho biết, từ ngày có bục gác an ninh ở tổ dân phố chúng không còn lo lắng, thấp thỏm khi ngủ. Từ khi có bục gác, tổ dân phố không xảy ra vụ nào mất an ninh, trật tự cũng như trộm cắp, cướp giật. Trong khi đó, trước khi triển khai bục gác, mỗi tháng xảy ra 3 đến 4 vụ trộm cắp tài sản như xe máy, đồ điện tử. Mô hình bục gác an ninh thực sự rất hữu ích. 

Điều đáng nói, những người làm nhiệm vụ chốt gác đều là con em, cán bộ lão thành về hưu có nhân thân tốt và nhiệt tình với hoạt động của địa phương. Mọi kinh phí để duy trì mô hình trên đều được vận động xã hội hóa, nhân dân tự nguyện đóng góp từ 30 nghìn đến 50 nghìn đồng/hộ để mua sắm vật dụng, thiết bị cần thiết và trực tiếp bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ chốt, gác. 

Bục gác mới được mua sắm bằng nguồn kinh phí xã hội hóa
Bục gác mới được mua sắm bằng nguồn kinh phí xã hội hóa 

Sau hai năm thực hiện thí điểm trên địa bàn phường Đằng Lâm, chiều ngày 25/8/2016, quận Hải An đã tổ chức sơ kết và nhân rộng mô hình “Bục gác an ninh”. Theo đó, từ những ưu việt của mô hình trên mang lại tại phường Đằng Lâm, Quận ủy, UBND quận Hải An chỉ đạo tiếp tục triển khai tại phường Đông Hải 1, một địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT. 

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Thuấn, Chủ tịch phường Đông Hải 1 cho biết, hiện Công an phường đang lên kế hoạch tham mưu cho UBND phường triển khai mô hình Bục gác an ninh trên địa bàn. Mô hình “Bục gác an ninh” thực sự cần thiết, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhân dân và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm ANTT trên địa bàn, từ đó nhân dân yên tâm làm việc, công tác, chung sức phát triển kinh tế địa phương.

Trung tá Tăng Văn Liêm, Trưởng Công an phường Đằng Lâm chia sẻ, mô hình “Bục gác an ninh” là một điểm sáng trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Thành công của mô hình chính là việc người dân trực tiếp ủng hộ, tích cực vào cuộc để cùng chung tay giữ bình yên từng căn nhà, ngõ phố. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. 

Với kết quả đã đạt được, mô hình “Bục gác an ninh” thực sự đã tạo động lực cho phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển, là chỗ dựa tin cậy để các tầng lớp cán bộ và đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và góp phần phát triển kinh tế, xã hội của quận Hải An nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung.

Đọc thêm