Kinh hoàng công nghệ tái chế giấy bẩn trong mùa dịch

(PLVN) - Thời gian gần đây, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được thông tin bạn đọc phản ánh một cơ sở tái chế giấy không bảng hiệu, lén lút hoạt động nhiều năm tại chân cầu Thuận An 2, đầu đường vào khu vực mỏ đá Tân Cang, phường Phước Tân, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. 

Nhiều lần đến cơ sở này để kiểm chứng thông tin, Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam tận mắt chứng kiến vô số cảnh kinh hoàng. Ngay khi vừa bước chân vào cửa, xộc vào mũi là mùi tanh nồng, cực kỳ khó chịu.  Đó là mùi của hoá chất, và những chất liệu phế thải hỗn tạp. Những nguyên liệu để tái chế giấy, chủ cơ sở này thu gom từ nhiều nơi.

Bước chân vào cửa, xộc vào mũi là mùi tanh nồng, cực kỳ khó chịu
Bước chân vào cửa, xộc vào mũi là mùi tanh nồng, cực kỳ khó chịu 

Dưới sàn, chất bẩn, chất thải, sợi giấy quyện với hoá chất vương vãi. Đáng nói hơn, những phế phẩm thu gom về được chủ cơ sở này đưa vào máy dùng hoá chất tẩy trắng cực mạnh để xử lý, sau đó dùng công nghệ cán ép để cho ra cuộn giấy bán lại cho người tiêu dùng để sử dụng. 

Trao đổi với Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Huỳnh Thanh Phương – Phó Chủ tịch Phường Phước Tân cho hay, cơ sở này chưa có giấy phép môi trường. Tuy nhiên, những thông tin khác ông Phương từ chối cung cấp.

Theo một người đàn ông tên Sơn, xưng là chủ cơ sở này thì “xưởng hoạt động từ rất lâu, về vấn đề xây dựng xưởng ngày trước khi Phước Tân còn là xã, được các chú ở trên chỉ đường hướng cho làm”. Ông Sơn cho rằng cơ sở ông có giấy phép sản xuất giấy và có hệ thống xử lý môi trường.

Sàn bám đầy chất bẩn, sợi giấy quyện với hoá chất vương vãi, rải rác khắp nơi.
Sàn bám đầy chất bẩn, sợi giấy quyện với hoá chất vương vãi, rải rác khắp nơi.

Sau đó, phóng viên xuống cơ sở tìm gặp ông Sơn để tiếp tục xác minh thông tin giấy phép.  Gặp công nhân tại đây cho biết “ông Sơn đi vắng”, nhân viên khác lại nói “cơ sở không có ai tên Sơn”. Tại hiện trường, chúng tôi hoàn toàn không tìm thấy hệ thống xử lý nước thải, bể lắng... Cơ sở tái chế lại nằm sát bờ sông, việc xử lý tẩy trắng giấy cần rất nhiều nước và hoá chất, nếu doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra sông hoặc xả vào hệ thống thoát nước đô thị thì đều vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh môi trường.

Hoá chất tẩy trắng cực mạnh, qua nhiều công đoạn xử lý, cán ép cho ra cuộn giấy nguyên liệu.
Hoá chất tẩy trắng cực mạnh, qua nhiều công đoạn xử lý, cán ép cho ra cuộn giấy nguyên liệu.

Trong thời điểm cả nước đang chung tay gồng mình chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng thì bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp sản xuất ra những sản phẩm nguy hại đến sức khỏe mọi người, ảnh hưởng vệ sinh môi trường, dễ lây lan mầm bệnh.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm