Sở Công Thương tỉnh Nghệ An: Kiểm tra "trá hình" gây nhiễu cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong lúc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đang tìm mọi phương sách trả các khoản nợ và nghĩa vụ đóng góp thì Sở Công Thương lại cử đoàn làm việc "không chỉ là nội dung làm việc hành chính đơn thuần" khiến các doanh nghiệp thêm “rối bời”. 
Sở Công thương Nghệ An.
Sở Công thương Nghệ An.

Đoàn kiểm tra "trá hình"?

Ngày 16/3/2021 Sở Công Thương ban hành công văn số 472 về việc cử đoàn làm việc với các đơn vị hoạt động khoáng sản, vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) do Phó Giám đốc và Phòng Kỹ Thuật An toàn Môi trường phụ trách. Khối lượng công việc nhiều nhưng thời gian làm việc của đoàn thì chưa đầy một tháng.

Quá trình tìm hiểu phóng viên nhận được một số ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, việc ban hành văn bản 472 có nội dung làm việc nhưng thực chất là "trá hình" tránh ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra? và không chỉ là nội dung làm việc hành chính đơn thuần. 

Đề cương đoàn làm việc thể hiện rõ kiểm tra gần như toàn bộ hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp: Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận Doanh nghiệp. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép thầu do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật; Giấy phép sử dụng VLNCN, Giấy phép khai thác khoáng sản; Tình hình, kết quả khai thác khoáng sản, sử dụng VLNCN quý 1/2021….

Hồ sơ thiết kế kỹ thuật khai thác mỏ và Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật khai thác mỏ; Phương án nổ mìn, quyết định phê duyệt phương án nổ mìn; Hộ chiếu nổ mìn (từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021); Thông báo sử dụng VLNCN cho địa phương và cho các cơ quan khác theo quy định; Hồ sơ những người làm việc liên quan đến VLNCN….

Hồ sơ xuất nhập kho năm 2020 và quý 1 năm 2021; Biện pháp  phòng ngừa ứng phó sự cố VLNCN, kế hoạch  trong hoạt động VLNCN, kế hoạch diễn tập ứng phó sự cố;Các nội quy, quy định an toàn trong hoạt động VLNCN…

Sau khi kiểm tra hồ sơ đoàn sẽ kiểm tra hiện trạng khu vực khai thác mỏ, kiểm tra thực tế quy trình khai mỏ; hiện trạng kho chứa VLNCN, việc sắp xếp VLNCN trong kho; kiểm tra  niêm yết, nội quy, biển cấm, biển báo , hướng dẫn theo quy định.

Gây phiền nhiễu, trùng lặp ?

Nguồn tin của PLVN cung cấp trong mấy năm gần đây có rất nhiều đoàn thanh kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn Quỳ Hợp. Trong đó, theo Quyết định số 320 ngày 25/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, hoạt động kiểm tra khoáng sản bắt đầu vào ngày 06/6/2019. Từ tháng 9 đến tháng 10/2019, đoàn Kiểm toán Nhà nước khu vực 2 thực hiện kiểm toán.

Năm 2020, QĐ 118 ngày 24/02/2020 của Sở TN&MT kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường vào tháng 3 đến tháng 6/2020; 02 Đoàn liên ngành theo Quyết định số 1769 ngày 08/6/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về việc kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về VLNCN trên địa bàn tỉnh. Theo Quyết định này Sở Công Thương cử 02 cán bộ tham gia.

Năm 2021 cũng đã có kế hoạch kiểm tra một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Khi Sở Công Thương thành lập đoàn "kiểm tra" theo văn bản 472 mà không ban hành bằng quyết định gây nên sự phản ứng trong dư luận vì sự "tùy tiện" và không phù hợp tình hình thực tế. Đoàn kiểm tra  không nằm trong kế hoạch được duyệt. Đây cũng không phải kiểm tra đột xuất vì trước đó không phát hiện có dấu hiệu vi phạm. 

Mặt khác khi có dấu hiệu vi phạm cụ thể của từng đơn vị thì chỉ thành lập đoàn thanh kiểm tra đúng đơn vị vi phạm mà thôi. Dư luận cho rằng Sở Công Thương đã vi phạm Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 và chỉ thị 07/ CT-TTG ngày 05/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Cụ thể, không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Việc kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện trong trường hợp thật sự cần thiết và phải có quyết định của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cơ quan thanh tra, kiểm tra chỉ được ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất. 

Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho rằng, trước đó có danh sách trùng lặp một số doanh nghiệp là do chưa có sự phối kết hợp giữa Phòng Kỹ thuật an toàn môi trường và phòng Thanh tra. Hoạt động kiểm tra doanh nghiệp theo văn bản 472 là công việc bình thường của Sở Công Thương nhằm giúp hoạt động của doanh nghiệp được tốt hơn.

Khi hỏi nếu phát hiện vi phạm có lập biên bản vi phạm không thì ông Hóa cho biết: nếu phát hiện vi phạm sẽ thành lập đoàn kiểm tra?.

Hàng năm, tại huyện Quỳ Hợp có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trong hoạt động khai thác mỏ. Việc kiểm tra An toàn vật liệu nổ cũng như kiểm tra đảm bảo khai thác đúng quy trình là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, khi thành lập đoàn thanh kiểm tra cần phải tuân theo quy định, đúng kế hoạch, tránh việc tùy tiện ra văn bản hành chính thông thường đi kiểm tra gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp.   

Đọc thêm