TAND huyện Châu Thành (Kiên Giang): Nhiều sáng kiến giúp giải quyết án nhanh chóng

(PLO) - Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, hết lòng phục vụ nhân dân, TAND huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang không ngừng tìm hiểu và đưa ra nhiều sáng kiến, cách làm mới, hiệu quả góp phần nâng cao công tác giải quyết án, tạo thuận lợi và niềm tin cho người dân.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chánh án TAND huyện Châu Thành nhấn mạn luôn đảm bảo giải quyết vụ án trong thời gian nhanh nhất
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chánh án TAND huyện Châu Thành nhấn mạn luôn đảm bảo giải quyết vụ án trong thời gian nhanh nhất

Chú trọng hòa giải

Hiện các vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp, kiện tụng ngày càng gia tăng đòi hỏi các cơ quan xét xử phải giải quyết ổn thỏa, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Ý thức được vai trò và tầm quan trọng của mình, TAND huyện Châu Thành đã từng bước cải tiến lề lối, phương pháp làm việc. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác góp phần ổn định về trật tự, xã hội ở địa phương. Trên cơ sở quy định của các văn bản tố tụng, đơn vị đã đề ra quy trình giải quyết án phù hợp với điều kiện, năng lực của Thẩm phán, Thư ký và tình hình địa phương. Đồng thời, lãnh đạo đơn vị thường xuyên kiểm tra công tác giải quyết án để kịp thời nhắc nhở, điều chỉnh để đảm bảo về số lượng và chất lượng.

Riêng năm 2018, TAND huyện Châu Thành đã thụ lý 945 vụ việc các loại, xét xử gần 838 vụ án, đạt tỉ lệ 88,68%, thụ lý tăng 98 vụ, giải quyết nhiều hơn 91 vụ án so với năm 2017. TAND huyện cũng đã kịp thời đưa ra xét xử để nhằm mục đích răn đe, cảnh tỉnh chung trong xã hội. Qua đó, góp phần tuyên tuyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân.

Cũng trong năm 2018, các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính thương mại tăng cao và nội dung tranh chấp ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, chất lượng xét xử từng bước được cải thiện và đạt nhiều kết quả, tỷ lệ án bị sửa do lỗi chủ quan giảm hẳn so với năm 2017 và không có án hủy. Công tác hòa giải được quan tâm, hòa giải thành 430 vụ chiếm trên 60% tỷ lệ tổng số án dân sự.

Để đảm bảo thực hiện tốt công tác hòa giải, hàng ngày đều có cán bộ thường trực làm công tác tiếp công dân. Theo định kỳ hàng tháng lãnh đạo đơn vị sẽ trực tiếp tiếp công dân 2 lần để lắng nghe phản ánh về tình hình hoạt động của tòa án, qua đó kịp thời trả lời, giải quyết những vấn đề người dân yêu cầu. 

Nâng cao chất lượng xét xử

Nhằm nâng cao chất lượng xét xử của Thẩm phán, Chánh án tổ chức ghi hình một số phiên tòa của các Thẩm phán khác. Thông qua đó tiến hành góp ý về kỹ năng xét xử của từng Thẩm phán trong các đợt sinh hoạt định kỳ của đơn vị trong tháng. Điều này tác động mạnh mẽ đến tinh thần làm việc của các Thẩm phán trong quá trình xét xử tại phiên tòa. 

Ngoài ra, TAND huyện Châu Thành còn xét xử 10 phiên tòa rút kinh nghiệm. Qua đó nâng cao trách nhiệm, giúp Thẩm phán củng cố kiến thức chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp và kỹ năng hỏi, xử lý tình huống tại tòa. Hàng tháng, TAND huyện Châu Thành còn tổ chức sinh hoạt chuyên đề liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: Chuyên đề hụi và cách giải quyết các loại án hụi; Chuyên đề giải quyết các tranh chấp đất đai; Chuyên đề xét xử nhóm tội phạm ma túy; Chuyên đề về giải quyết các tranh chấp liên quan đến bất động sản liền kề… để nâng cao hiểu biết, kỹ năng xử lý tình huống của Thẩm phán.

Thẩm phán Nguyễn Thanh Phong, Chánh án TAND huyện Châu chia sẻ: Để đảm bảo công tác xét xử kịp thời hiệu quả, sau khi kiểm tra đơn khởi kiện đã đủ điều kiện, lãnh đạo đơn vị liền ra quyết định phân công Thẩm phán thụ lý án theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho Thẩm phán có nhiều thời gian giải quyết án, sắp xếp lịch cá nhân để đảm bảo giải quyết vụ án trong thời gian nhanh nhất, vị Chánh án nhấn mạnh. 

Theo Thẩm phán Phong, để công tác hòa giải và xét xử liên tục, không để vụ án hoãn nhiều lần, sau mỗi lần hòa giải thẩm phán phải dự kiến 2 phương án: Nếu đưa ra xét xử thì dự kiến ngày xét xử, hoàn thành các thủ tục cần thiết và tống đạt trực tiếp cho đương sự. Trong trường hợp cần thiết phải hòa giải tiếp tục thì định ngày hòa giải lần sau và tống đạt trực tiếp cho đương sự. “Với cách làm trên, trong thời gian qua TAND huyện Châu Thành đã khắc phục tốt việc phải hoãn phiên tòa hoặc không hòa giải được do đương sự không đến”.

Chưa hết, Thẩm phán Phong còn cho biết thêm, đơn vị cũng thường xuyên đổi mới lề lối, phong cách làm việc nhằm tăng hiệu quả các mặt công tác của đơn vị, phân công trách nhiệm rõ ràng đối với từng Thẩm phán, Thư ký và cán bộ giúp việc, nên từ đó hoạt động của đơn vị đảm bảo chặt chẽ, đạt kết quả tốt. Ngoài ra, Chánh án trực tiếp kiểm tra đầu vào, khắc phục việc nhận hồ sơ chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật, không đủ điều kiện khởi kiện, không thuộc thẩm quyền để thụ lý nhằm đảm bảo giải quyết nhanh chóng, đúng luật định tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân. Những hành động thiết thực và hiệu quả đó đã tạo nên thành công của ngành Tòa án huyện Châu Thành.

Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công nhân viên, TAND huyện Châu Thành đã nhận được Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao. Đồng thời,  liên tục nhận được Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ năm 2011 đến nay. 

Đọc thêm