Thanh Ba, Phú Thọ: Gần 50% gà giống dự án chương trình 135 bị chết

(PLVN) - Dù mới được triển khai việc cấp giống gà 135, tại nhiều xã huyện Thanh Ba đã xảy ra tình trạng gà chết hàng loạt.
Người dân huyện Thanh Ba đang lo lắng về việc gà giống 135 bị chết hàng loạt (Ảnh: Xuân Hồng).
Người dân huyện Thanh Ba đang lo lắng về việc gà giống 135 bị chết hàng loạt (Ảnh: Xuân Hồng).

Thực hiện các nội dung của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135, năm 2019 huyện Thanh Ba đã hỗ trợ giống cây, con giống, phân bón NPK cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện, với tổng số hộ tham gia thực hiện trong dự án là 4.123, với tổng kinh phí thực hiện hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ gà giống cao nhất với 66.000 con (trị giá tiền 2,3 tỷ đồng).

Tìm hiểu, gà giống dự án 135 được huyện Thanh Ba cấp cho người dân được nhập từ HTX chăn nuôi Đỗ Sơn (xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba), với giá 35.000 đồng/con.

Trao đổi với phóng viên, nhiều bà con ở Thanh Ba cho biết, khi ký nhận gà giống 135, được cán bộ dự án tuyên truyền về kỹ thuật chăm sóc gà, phổ biến giá 35,000 đồng/con, bà con rất phấn khởi, cho rằng với giá cao như này, chất lượng gà sẽ tốt và hi vọng về hiệu quả kinh tế từ dự án cấp giống con để các hộ có thể giảm nghèo, thoát nghèo.

Nhưng niềm vui nhận được gà từ dự án hỗ trợ chưa được bao lâu, nhiều hộ ở huyện Thanh Ba lại rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” khi gà giống dự án bị chết hàng loạt. Vốn cuộc sống người dân đã khó khăn nay càng khó khăn bởi chi phí đã bỏ ra đầu tư chăn nuôi từ khi nhận gà giống dự án về nuôi bị “đổ xuống sông, xuống biển”.

Theo kết quả kiểm tra con giống thuộc chương trình 135 của UBND huyện Thanh Ba cho thấy, tại xã Thanh Xá có 1.682/7.638 con bị chết (chiếm 21% tổng gà giống được cấp). Đặc biệt, xã Thái Ninh có tổng số gà chết là 3.714/7.638 (chiếm 48% tổng gà giống được cấp).

Báo cáo của UBND huyện Thanh Ba về việc gà giống 135 bị chết (Ảnh: Xuân Hồng).
Báo cáo của UBND huyện Thanh Ba về việc gà giống 135 bị chết (Ảnh: Xuân Hồng).

“Nguyên nhân gà giống dự án chết: Gà người dân khi nhận đều từ 3-4 tuần tuổi và trong môi trường đảm bảo. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại các hộ chăn nuôi gà bị chết là do chăn nuôi không đúng quy trình, tại thời điểm lấy gà, thời tiết nóng nắng trên 40 độ, đêm gặp mưa và độ ẩm cao dẫn đến sức khỏe đề kháng suy giảm nên gà dễ mắc bệnh. Trạm Thú y huyện đã chuẩn đoán nghi gà mắc bệnh Newcastlo ghép với CRD (hen phế quản truyền nhiễm)”, báo cáo UBND huyện Thanh Ba nêu rõ.

Cũng theo báo cáo của UBND huyện Thanh Ba, để khắc phục tình trạng gà giống 135 bị chết: “Theo cam kết của UBND xã, gà dự án 135 bị chết, đơn vị cung ứng sẽ cấp lại cho các hộ dân khi dịch bệnh dịch bệnh trên địa bàn xã không còn dịch bệnh”.

Trước thông tin huyện Thanh Ba phát đi, nguyên nhân gà dự án chết nghi do mắc bệnh hen phế quản nhưng thời gian mắc bệnh lại xác định “sau khi người dân ký nhận gà”, nhiều người tỏ ra rất bức xúc và lý giải, với đặc thù sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi là ngành nghề chính tạo ra thu nhập, cùng điều kiện chăn nuôi, môi trường; cũng giống gà ri lai mua trên thị trường (giá chỉ 13-15,000 đồng/con - rẻ hơn một nửa so với gà ri lai dự án), được các hộ chăn nuôi bao nhiêu năm nay vẫn sinh sôi, tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, gà dự án 135, giá “trên trời” nhưng khi ký nhận, người dân chỉ biết lấy đúng số lượng gà và tổng kinh phí hỗ trợ (tính ra 35,000 đồng/con) đã được duyệt, còn lại những thông tin về giống gà (nguồn gốc giống gà, tiêu chuẩn gà giống, hợp đồng cung ứng gà) người dân không hề được biết. Từ đó, đặt ra vấn đề nghi ngờ về chất lượng gà giống dự án, cũng như tính minh bạch của dự án. 

Hiện tượng gà giống 135 đã xảy ra ở nhiều xã của huyện Thanh Ba. Đến nay, ngoài nguyên nhân ban đầu được Trạm Thú y huyện chuẩn đoán nghi gà mắc bệnh hen phế quản truyền nhiễm, người dân vẫn chưa biết được nguyên nhân được cơ quan chức năng kết luận (dựa trên mẫu gà chết mang đi xét nghiệm) là gì và đến khi nào thì được cấp bù.

Đọc thêm