Thanh Hoá: Cải cách thu hút đầu tư là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế

(PLVN) - Giai đoạn 2016 – 2020 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thanh Hoá bình quân dự kiến đạt 12,5%, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (12%), gấp 1,54 lần so với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015.

Thanh Hóa là một tỉnh lớn, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là cầu nối giữa Bắc Bộ và Trung Bộ; là tỉnh đông dân thứ 3 cả nước (3,7 triệu người, chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), là một trong những tỉnh có nhiều huyện, nhiều xã nhất cả nước; có 4 vùng kinh tế (miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển); bờ biển dài (102 km), có đường biên giới dài với Lào (192 km). 

Thanh Hoá có khu kinh tế Nghi Sơn với những ưu đãi đầu tư thuận lợi nhất Việt Nam; tài nguyên thiên thiên phong phú; nhiều di sản văn hoá đặc sắc; là hình dáng thu nhỏ của Việt Nam. Khu kinh tế Nghi Sơn đã trở thành điểm đến hấp dẫn, sôi động trong mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đến nay, Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 246 dự án (trong đó có 19 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 130.000 tỷ đồng và 12,7 tỷ USD, thực sự trở thành một khu kinh tế ven biển phát triển năng động, một trọng điểm của vùng kinh tế Bắc Bộ.

Thành phố Thanh Hoá đang hướng sự phát triển thành đô thị hiện đại, văn minh.
 Thành phố Thanh Hoá đang hướng sự phát triển thành đô thị hiện đại, văn minh.

Đây còn là mảnh đất hội tủ đầy đủ các điều kiện mà nhiều địa phương khác không có được như: Nằm trên con đường huyết mạch từ Bắc vào Nam; Có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, hiện đại với đầy đủ các loại hình giao thông: đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không, có thể kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước, khu vực và quốc tế. 

Giai đoạn 2010 - 2020, Thanh Hoá đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là trong thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 132 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 14,13 tỷ USD , đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 8 cả nước.

Chỉ trong giai đoạn 2016 – 2020, Thanh Hóa đã thu hút được 908 dự án đầu tư trực tiếp (53 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 94.404 tỷ đồng và 3.305 triệu USD; đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua đạt 610 nghìn tỷ đồng, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ước tính giảm từ 3,6% xuống 3,1%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2,56%.

Hạ tầng du lịch của Thanh Hoá được chú trọng đầu tư.
 Hạ tầng du lịch của Thanh Hoá được chú trọng đầu tư.

Riêng trong lĩnh vực du lịch, những năm qua, Thanh Hóa đã nỗ lực kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư, phát triển hạ tầng tại các khu, điểm du lịch theo hướng hiện đại, cùng với chất lượng dịch vụ được nâng cao.. tạo ra sức hấp dẫn mới. Số lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm 15,6%, doanh thu tăng bình quân 31,7%.

Giai đoạn 2016 – 2020, dịch vụ tài chính, ngân hàng tiếp tục phát triển, vốn huy động tăng bình quân hàng năm 17,8%, dư nợ tăng bình quân 14,4%. Tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước bình quân hàng năm dự kiến đạt 18,1%, là một trong các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước.

Thanh Hoá xác định rõ thu hút đầu tư là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế. Để tạo thuận lợi cho công tác triển khai các dự án, cùng với công tác cải cách hành chính, thời gian qua, được đánh giá là giai đoạn có những chuyển biến rõ nét về sự tiên phong, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá. 

Không chỉ rốt ráo, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, từ năm 2017 đến nay, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn sẵn sàng đối thoại trực tiếp trong các khó khăn của từng doanh nghiệp cụ thể. Tại các cuộc đối thoại hàng tháng, nhiều vấn đề vướng mắc trong thủ tục đầu tư, quá trình kinh doanh đã được Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các ngành có liên quan, các địa phương sâu sát, tháo gỡ. 

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cũng thường xuyên tiếp nhận phản hồi của doanh nghiệp, thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư kinh doanh.

Trong những giải pháp thu hút đầu tư thời gian tới, ngoài chú trọng phát triển hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu công nghiệp và khu kinh tế, còn phải chú trọng đến vấn đề liên kết vùng. 

Nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển mới của Thanh Hoá
 Nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển mới của Thanh Hoá

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, “Để có làn sóng đầu tư mới, Thanh Hóa nên thành lập một tổ công tác chuyên thực hiện mời gọi xúc tiến đầu tư ngay trong thời điểm này. Phải xây dựng được môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, cải cách hành chính triệt để. 

Cần nhìn thẳng để triệt tiêu những việc làm gây phiền hà cho doanh nghiệp. Mặt khác, tỉnh cần kịp thời tháo gỡ khó khăn trợ giúp doanh nghiệp trong cả thủ tục đầu tư cũng như những doanh nghiệp đã phát triển sản xuất lâu năm trên địa bàn.

Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của các ngành trong tỉnh cũng cần có kế hoạch, tập trung, không nên có quá nhiều đoàn, đến nhiều lần làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Chỉ làm tốt vấn đề trợ giúp và đồng hành cùng doanh nghiệp, khi tiếng lành đồn xa, chính là cách xúc tiến đầu tư hiệu quả nhất”.

Hiện nay, Thanh Hóa đang tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng hơn; giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; bảo đảm an ninh trật tự nhằm tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hoá là địa phương có mức thu hút đầu tư thuộc nhóm đầu cả nước.
Thanh Hoá là địa phương có mức thu hút đầu tư thuộc nhóm đầu cả nước.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hoá năm 2020, Thanh Hoá đã có 31 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư tương đương 15 tỷ USD.

Trong đó: có 19 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 56.800 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD (trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo là 22.300 tỷ đồng; phát triển hạ tầng, đô thị là 25.500 tỷ đồng; du lịch là 7.340 tỷ đồng; nông nghiệp và y tế là 1.600 tỷ đồng).

Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã tạo ra thế và lực mới cho Thanh Hóa tự tin vững bước vào thời kỳ phát triển mới, với khát vọng xây dựng Thanh Hóa thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh.

Đọc thêm