Tiền Giang đáp ứng nguồn cung nhu yếu phẩm trong năm 2020

(PLVN) - Dù phải tiến hành giãn cách xã hội trong thời điểm dịch bệnh Covid - 19, tỉnh Tiền Giang vẫn đáp ứng đủ nguồn cung các loại hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Năm 2020, dù tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, phải tiến hành giãn cách xã hội; nhiều ngành nghề, dịch vụ phải tạm ngừng kinh doanh nhưng tình hình cung cầu các mặt hàng nhu yếu phẩm tại Tiền Giang vẫn ổn định, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đặc biệt, giá cả các loại mặt hàng không có biến động lớn và được kiểm soát tốt, không phát hiện hành vi đầu cơ, găm hàng hay tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường.

Đảm bảo nguồn cung hàng hóa ngay cả trong thời điểm giãn cách xã hội.
 Đảm bảo nguồn cung hàng hóa ngay cả trong thời điểm giãn cách xã hội.

Công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý của các lực lượng chức năng thu được nhiều kết quả, cụ thể đã tiến hành kiểm tra 2.689 vụ, tăng 21,6% vụ; phát hiện vi phạm 1.712 vụ, giảm 1,7% so với năm 2019. Xử lý vi phạm hành chính 1.538 vụ. Thu nộp ngân sách trên 55 nghìn tỷ đồng.

Công tác kiểm tra về giá, chống đầu cơ, găm hàng được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid – 19 để đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm tăng giá, thu lợi bất chính, nhất là các loại mặt hàng trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm.

Trong năm qua, dù hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; tuy nhiên tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, ghi nhãn hàng hoá, vi phạm về hoạt động thương mại điện tử và ứng dụng số trong kinh doanh còn xảy ra với tính chất, mức độ vi phạm tinh vi, khó phát hiện.

Các hình thức vi phạm chủ yếu theo phương thức trộn lẫn hàng hoá hợp pháp và không hợp pháp, xé lẻ hàng hoá để vận chuyển, cất dấu hàng giả ở nhiều nơi, liên tục thay đổi nơi cất giấu… Trong đó, các mặt hàng chủ yếu là kim khí điện máy, phụ tùng xe máy, xăng dầu, gỗ, thuốc tân dược, thuốc lá điếu điện tử… Bên cạnh đó, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hàng gian, hàng giả còn rất nhiều khó khăn. 

Theo ông Đỗ Văn Phước - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang cho biết, các đối tượng thường lợi dụng nhiều tuyến đường vận chuyển để né kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng; thậm chí, các loại hàng gian, hàng giả còn được vận chuyển theo đường chuyển phát nhanh nên rất khó để phát hiện, xử lý.

Theo dự báo trong năm 2021 của các ngành chức năng, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng hoá của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định, hàng hoá lưu thông trên thị trường dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân; giá cả thị trường sẽ có biến động tuỳ thuộc vào nguồn cung, nhu cầu tiêu dùng, tình hình dịch bệnh… nhưng nhìn chung sẽ không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Tình hình buôn lậu sẽ tiếp tục diễn ra nhưng giảm công tác kiểm tra, kiểm soát ở khu vực đường biên giới được tăng cường nhằm thực hiện nghiêm ngặt phòng ngừa dịch bệnh Covid – 19 từ bên ngoài.

Khi phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm để tạo sức răn đe, bảo vệ quyền lợi cho người dân và ổn định thị trường. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo 389 tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu trong thời điểm dịch bệnh còn nhiều diễn biến như hiện nay.

Ông Phạm Văn Trọng - Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị Tổng kết phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại 2020
 Ông Phạm Văn Trọng - Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị Tổng kết phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại 2020

Ông Phạm Văn Trọng – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo 389 Tiền Giang cho biết: Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay đã khác rất nhiều so với giai đoạn trước đây, do đó, phải phân định được chức năng, nhiệm vụ thành viên ban chỉ đạo và từng thành viên. Đặc biệt chú trọng công tác phối hợp giữa các cơ quan để xử lý các vụ việc được phát hiện, nhất là các loại mặt hàng mới xuất hiện tại Việt Nam. Những quy định, chủ trương, chỉ đạo mới hoặc những thủ đoạn, loại hình vi phạm mới của các đối tượng phát sinh, cùng các biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng phải được thông tin kịp thời để cảnh báo cho người dân.

Bên cạnh đó, cần dự đoán được tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là vùng biên giới Tây Nam. Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền trong nhân dân. Chú ý kiểm tra, đôn đốc phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong dịp cuối năm, không để gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân.

Đọc thêm