Xuân về trên thác Bản Giốc

(PLVN) - Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh tuyến biên giới trên địa bàn, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đàm Thủy, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cao Bằng còn tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương, là điểm tựa của đồng bào các dân tộc huyện biên giới Trùng Khánh. Xuân này, trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, người dân xã Đàm Thủy hân hoan với niềm vui thoát đói nghèo, thành điểm sáng du lịch, sắp cán mốc nông thôn mới. 
Đồn Biên phòng Đàm Thủy đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Đồn Biên phòng Đàm Thủy đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Xứng danh Anh hùng

Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 9 và 10/12/2020, 44 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (BP) Đàm Thủy đại diện cho BĐBP 44 tỉnh, thành phố có biên giới đã rước quốc kỳ từng được treo trên nóc nhà chỉ huy Đồn BP Đàm Thủy từ khi mới thành lập (năm 1977) về tặng Đại hội.

Có được vinh dự này, 13 năm liền Đồn BP Đàm Thủy được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Đặc biệt là ngày 21/12, Đồn BP Đàm Thủy vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. 

Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP khẳng định, trải qua 43 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đàm Thủy, BĐBP Cao Bằng cũng không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; xứng đáng với niềm tin yêu và những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. 

Đồn BP Đàm Thủy quản lý địa bàn cụm xã Chí Viễn và Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh - nơi sinh sống của 4 dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao. Hai xã này có tổng số 2.109 hộ/9.310 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc chính là Tày, Nùng, Kinh và Dao. Trong đó dân tộc Nùng và Tày là chủ yếu. Trên tuyến biên giới do đồn quản lý có quần thể tham quan du lịch nổi tiếng thác Bản Giốc, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, động Ngườm Ngao...

Thượng tá Lý Ngọc Danh - Bí thư Đảng ủy, chính trị viên Đồn BP Đàm Thủy chia sẻ, trong những năm qua, đơn vị luôn tích cực, chủ động nắm chắc tình hình diễn ra trên biên giới. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, vi phạm hiệp định và quy chế biên giới, quy chế khu vực biên giới và các hành vi khác xâm phạm đến chủ quyền, lợi ích quốc gia. Đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm như tội phạm hình sự, buôn lậu, gian lận thương mại, tham gia ngăn chặn dịch bệnh, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… giữ gìn an ninh, chính trị và trật tự an toàn trên địa bàn.  

Nổi bật trong thành tích của đơn vị là công tác đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, tạo cơ sở thuận lợi cho nhiệm vụ phân giới, cắm mốc, nhất là tại khu vực thác Bản Giốc.

Đồng thời, Đồn BP Đàm Thủy đã thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân, thường xuyên củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.

Phát huy truyền thống đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân, coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn BP Đàm Thủy đã tích cực, chủ động, tham gia có hiệu quả vào nhiệm vụ củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. 

Đồng thời, chủ động phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa mới, xây dựng các “Điểm sáng văn hóa” ở khu vực biên giới để đẩy lùi các tệ nạn xã hội và tập tục lạc hậu.

Tuần tra bên thác Bản Giốc.
Tuần tra bên thác Bản Giốc. 

Xây dựng “thế trận lòng dân” nơi biên cương 

Xuân này, xã biên giới Đàm Thủy, nơi có khu du lịch thác Bản Giốc nổi tiếng, đang trên đà đổi mới. Đường giao thông đã được trải nhựa, có hệ thống chiếu sáng công cộng, có khu vui chơi giải trí. Ở khu vực trung tâm đã xuất hiện nhiều cửa hàng, công ty, khách sạn. Vào buổi tối hai hàng cột đèn sáng lung linh. Từ trên cao nhìn xuống làng bản như dệt bằng những dải ánh sáng. Xã còn đặc biệt có một khu vui chơi giải trí, ẩm thực rất qui mô và khang trang. Bước tới đây nhiều người ngỡ mình lạc vào những phố đi bộ, phố ẩm thực của những thành phố lớn. Cuộc sống no đủ hiện diện ở mọi nơi, từ các bản người Tày đến bản người Nùng. 

Xã Đàm Thủy hiện 2 công trình là Khu nghỉ dưỡng 4 sao Sài Gòn - Bản Giốc Resort và chùa Trúc Lâm Bản Giốc khánh thành và đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, bước đầu đáp ứng nhu cầu du lịch về tâm linh và nghỉ dưỡng cho du khách. Nhằm tạo diện mạo mới về mọi mặt tại Đàm Thủy, tỉnh Cao Bằng đã quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc đã được mở rộng lên 1.000ha.

Trong đó phạm vi lập quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc có quy mô 156,7ha. Theo dự kiến, các điểm du lịch ở xã Đàm Thủy sẽ thu hút 750.000 lượt khách, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm hộ dân, đồng thời đưa bộ mặt nông thôn Đàm Thủy ngày càng phát triển.

Anh Nông Ích Sĩ, người đầu tiên ở Đàm Thủy làm du lịch homestay (lưu trú tại nhà), cho biết, cách đây 3 năm, cả xã không ai dám làm homestay. Được anh Đạt (Thượng tá Mê Văn Đạt - PV) động viên, rồi UBND xã tổ chức cho đi tham quan, học tập tại nhiều địa phương nổi tiếng về du lịch trong cả nước, gia đình tôi mới mạnh dạn làm thử. Thu nhập khá và ổn định hơn làm ruộng nên đến nay xã đã có 14 hộ làm homestay.

Năm 2019, chỉ tính sản lượng lương thực cây có hạt đã là 3.400 tấn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 25,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 37% năm 2007 xuống còn 10,7% theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều. Đàm Thủy được chọn là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới và đang cố gắng về đích vào năm 2022.

Nhớ lại 15 năm trước, những năm 2005 - 2006, thôn Lũng Phiắc, xã Đàm Thủy có 198 hộ gần 1.000 nhân khẩu nhưng có tới 81% người dân mù chữ. Thôn có 3km đường biên giới giáp Trung Quốc. Từ năm 1992, khi phát hiện Lũng Phiắc có nhiều quặng mangan mà người dân gọi là vàng đen. Đã thế vàng đen lại lộ thiên nên người dân bỏ ruộng, bỏ nương, chỉ đào quặng rồi lén lút tìm mọi cách gùi sang bên kia biên giới bán trái phép.

Lũng Phiắc khi đó trông nham nhở như bãi chiến trường. Trẻ em không có người dạy, không chịu đến trường. Người dân có tiền nhưng kèm theo đó là các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, ma túy. Số người nghiện ngày càng tăng, an ninh chính trị, trật tự xã hội ngày càng phức tạp. Không chỉ Lũng Phiắc mà ngay cả xã Đàm Thủy lúc đó cũng rất rối ren. Dân thì đói, an ninh chính trị phức tạp, đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn, xóm đều yếu. Nóng đến mức Tỉnh ủy phải ra chỉ thị riêng để chấn chỉnh nạn khai thác quặng ồ ạt ở Lũng Phiắc và ổn định tình hình ở Đàm Thủy. 

Giúp dân thu hoạch lúa bên thác Bản Giốc.
Giúp dân thu hoạch lúa bên thác Bản Giốc.

Trước tình hình đó, năm 2006, Tỉnh ủy Cao Bằng đã đưa hàng chục cán bộ tăng cường về Lũng Phiắc, trong đó có các cán bộ của Đồn BP Đàm Thủy. 

Ngay khi được tăng cường về các xã đặc biệt khó khăn, 3 cán bộ tăng cường của đơn vị đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, nghiên cứu, tìm tòi các mô hình, cách làm hay để vận dụng phù hợp với thực tiễn địa phương; hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sản phẩm có giá trị hiệu quả kinh tế cao, giúp các hộ nghèo trên địa bàn nhanh chóng thoát nghèo.

Tiêu biểu là Thượng tá Mê Văn Đạt. 13 năm “cắm bản” trong vai Bí thư Đảng ủy xã và 10 năm là Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Thượng tá Mê Văn Đạt, Đồn BP Đàm Thủy đã cùng Đảng ủy xã Đàm Thủy củng cố, kiện toàn các chi bộ thôn, xóm, tổ chức quần chúng; bồi dưỡng, kết nạp được 129 đảng viên; xóa được các xóm trắng về đảng viên. 

Đồn BP Đàm Thủy đã tham gia vận động 640 hộ gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”, vận động 128 cháu học sinh bỏ học tiếp tục trở lại trường, nhận đỡ đầu 3 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, mỗi cháu 500 nghìn đồng/tháng đến hết bậc trung học phổ thông. 

Ngày Thượng tá Đạt nhận nhiệm vụ mới, đội ngũ cán bộ xã có trên 50% chưa đạt chuẩn về chuyên môn, trên 70% chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong 10 năm qua, lực lượng cán bộ xã 100% đã được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ (với tám người học đại học, hai người cao đẳng và 11 người trung cấp).

Đọc thêm