Muôn mặt thị trường đồ chơi xe hơi

(AutoNet)- Bỏ ra một số tiền lớn để tậu ôtô, chẳng ai tiếc mấy triệu đồng “làm đẹp” cho “xế cưng”. Chính vì lẽ đó, thị trường đồ chơi xe hơi mới có “đất” phát triển.

Bỏ ra một số tiền lớn để tậu ôtô, chẳng ai tiếc mấy triệu đồng “làm đẹp” cho “xế cưng”. Chính vì lẽ đó, thị trường đồ chơi xe hơi mới có “đất” phát triển.

Phát triển theo hướng nào?

Dạo một vòng quanh các “phố đồ chơi” xe hơi trên đường Trần Khát Chân, Trần Nhật Duật, Lê Văn Lương… có thể nhận thấy sự phong phú của mặt hàng này. Từ những đồ nội ngoại thất đơn giản như tay nắm cửa, gương, đèn, lót sàn, tấm chống nắng cho tới các bộ la-zăng hầm hồ, dàn âm thanh, DVD, màn hình tinh thể lỏng… tất cả đều có thể tìm thấy tại mỗi cửa hàng với nhiều mức giá khác nhau tùy theo chủng loại và xuất xứ.

IMG_5528.jpg

Anh Hùng, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ chơi xe hơi trên đường Láng Hạ, cho biết: “Chẳng mấy ai lái xe xịn như BMW, Mercedes lại đi lùng đồ lắp thêm bởi xe đã được trang bị khá hoàn hảo. Thậm chí, nếu lắp thêm đồ không hợp, chiếc xe sẽ mất đi “phom” chuẩn, lại mang tiếng “nhà quê”. Với những khách hàng này, anh chỉ bán được nước hoa chính hãng hay dàn DVD màn hình tinh thể lỏng với giá lên tới cả nghìn USD. Đa phần xe lắp thêm đồ chơi là dòng xe cũ nhập khẩu và các mẫu xe đa dụng phổ biến như Toyota Innova, Chevrolet Captiva, Ford Everest… Những mặt hàng được các “thượng đế” ưa chuộng phải kể đến ampli, loa, subwoofer, màn hình LCD, ghế bọc da hoặc nỉ, đèn xenon, thiết bị chống trộm… Giá lắp trọn bộ thiết bị trên một chiếc xe có thể “ngốn” của chủ xe tới vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, “ăn” nhất vẫn là viền mạ chrome cho tay nắm cửa, đèn, gương… do tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam thích ngoại hình xe mượt mà, sáng bóng.  Cũng theo anh Hùng, phần đông chủ xe chỉ thích lắp thêm chứ không mấy ai “mạnh dạn” thay đổi nguyên bản, đặc biệt là ở các chi tiết ngoại thất bởi như thế dễ làm giảm giá trị bán lại của xe. Hơn nữa, việc thiếu thông tin và hiểu biết về lĩnh vực độ xe cũng dẫn tới tâm lý e dè và ngại… chơi của dân miền Bắc.

IMG_1439.jpg

Tuy nhiên, không vì thế mà thị trường đồ chơi xe hơi khu vực phía Bắc trở nên kém rầm rộ. Những mặt hàng hữu dụng như phim cách nhiệt, thiết bị chống trộm… hiện nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong trang bị của các chủ xe, bởi đơn giản khí hậu Việt Nam nắng nóng nên kính xe thông thường đôi khi không thể “đỡ” được ánh nắng choi chang, đặc biệt là vào mùa hè. Đồng thời, nạn ôtô “tặc” hoành hành cũng là điều khiến nhiều người sở hữu xe phải đau đầu; chính vì vậy, vấn đề an toàn cho xe luôn được cân nhắc. Ngoài ra, một thứ “đồ chơi” cũng “hút khách” không kém là thiết bị dẫn đường bằng vệ tinh GPS hiện đang có bán tại nhiều cửa hàng trên địa bàn Hà Nội. So với các thiết bị dẫn đường trước đây, GPS tích hợp nhiều ưu việt về công nghệ. Do đó, các “thượng đế xe hơi” đã tìm đến thiết bị này để trang trí trên “xế yêu” của mình.

Chạy đua giá cả và chất lượng

Cùng với sự phát triển của thị trường ôtô Việt Nam, ngành kinh doanh phụ kiện, đồ chơi theo xe cũng mọc lên như nấm. Trước đây, các cửa hàng đồ chơi ở Hà Nội chỉ tập trung ở một vài tuyến phố trung tâm như Cao Bá Quát, Lý Thường Kiệt, Trần Nhật Duật, Trần Khát Chân… thì nay đã lan rộng ra nhiều tuyến phố mới như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Âu Cơ, đường Láng. Sự xuất hiện của các cửa hàng kinh doanh dịch vụ này đã đem đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng khi có sự cạnh tranh về giá cả, chất lượng và chế độ khuyến mãi, bảo hành.

IMG_5537.jpg

Anh Tiến, chủ một cửa hàng nội thất ôtô ở Trần Khát Chân, cho biết: “Cái thời xe Matiz mới ra đời đầu, đồ chơi lấy về đến đâu bán hết đến đấy, có lúc bán giá một gấp đôi. Giờ muốn làm ăn lâu dài, phải có khách quen, mình “bao giá” họ đi thăm dò một vòng thấy rẻ mới quay lại. Bây giờ hầu hết các cửa hàng đều lắp đặt miễn phí lại thêm chế độ bảo hành cho mỗi loại hàng bán ra. Nhiều cửa hàng còn tung ra các “chiêu” khuyến mại để “câu” khách”.

Tuy nhiên, vẫn còn một thực tế hiện nay là mua xe ôtô "xịn" không khó, nhưng để có một bộ đồ chơi theo xe đảm bảo về mặt chất lượng thì không phải người chơi xe nào cũng tìm được. Bởi thị trường đồ chơi ôtô trong nước đang phát triển quá nhanh chóng và ồ ạt, trong khi người chơi xe lại không có điều kiện để trang bị cho mình kiến thức về lĩnh vực này. Thế nên, không ít chủ xe hiện tại luôn cảm thấy lúng túng, nghi ngại mỗi khi tìm đến các cửa hàng đồ chơi ôtô bất kỳ. Nhiều người thậm chí phải tự mình tìm mua hàng nước ngoài hay nhờ người thân ở nước ngoài mua rồi gửi về để có thể an tâm về chất lượng. Việc đặt mua hàng qua mạng cũng đã được tính đến; tuy nhiên, những biện pháp này phần nhiều vẫn tạo ra những trục trặc nhất định như hàng không phù hợp với xe hoặc không gặp thợ đủ hiểu biết để lắp ráp...

IMG_8593.jpg

Anh Tùng, một thành viên thuộc diễn đàn otofun, chia sẻ: “Những người không sành về độ xe thường dễ bị “ăn quả lừa” khi đi vào các cửa hàng trong khu vực chợ. Những địa điểm này thường tập trung buôn bán đầy đủ các loại “đồ chơi” với xuất xứ “không biết đường nào mà lần”. Có khi hàng ghi “made in Japan” đấy nhưng nếu không tinh ý khách sẽ mua nhầm đồ Tàu cao cấp nhưng với giá đồ Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, đặc biệt là nước hoa, dàn VCD, DVD. Mẫu mã có khi bắt mắt hơn nhưng chất lượng thì kém xa hàng xịn. Hàng Việt Nam không đáng kể, quanh đi quẩn lại chỉ có lót sàn xe, tấm chắn nắng hay dựa lưng bằng gỗ…” Theo anh, để tránh mua nhầm các thiết bị nhái, giả ngoài cách đòi phiếu bảo hành chính hãng khách hàng có thể tra mã số sản phẩm trên google, nếu là hàng của hãng thì mã số sản phẩm này sẽ có có trong trang web của hãng sản xuất.

Nói gì thì nói, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay không còn “dễ tính” như trước kia. Sự phát triển nhanh chóng của thị trường đồ chơi xe hơi đã dạy cho họ nhiều bài học về sự thận trọng trong cách lựa chọn và định giá các mặt hàng. Chính vì vậy, nhiều chủ kinh doanh đã nhận ra thực tế: để “sống” lâu với nghề, chỉ có một cách là chuyên nghiệp hóa hình ảnh và tạo niềm tin đối với khách hàng.

  • Autonet

Đọc thêm