Ba vấn đề “nóng” đầu năm học mới

Các vấn đề đội ngũ giáo viên, tuyển sinh lớp 10 và mô hình trường tự chủ tài chính đã được các đại biểu, phụ huynh tập trung “mổ xẻ” tại chương trình “Nói và làm”.

Các vấn đề đội ngũ giáo viên, tuyển sinh lớp 10 và mô hình trường tự chủ tài chính đã được các đại biểu, phụ huynh tập trung “mổ xẻ” tại chương trình “Nói và làm”.

Mặc dù TPHCM đứng vào tốp 5 các tỉnh, thành có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao trong cả nước, trường học ngày càng khang trang hơn... nhưng với tỉ lệ đầu tư ngân sách của TP chiếm đến 26%, nhiều ý kiến của đại biểu và phụ huynh tại chương trình “Nói và làm” do HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM thực hiện ngày 2-8 vẫn còn băn khoăn về hiệu quả giáo dục.

TPHCM nằm trong tốp 5 các tỉnh, thành có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao.

Có đủ giáo viên?

Trước câu hỏi của bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM, về đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên các môn nhạc, họa... liệu có đủ để bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: Năm nay, TPHCM tuyển được trên 3.000 giáo viên, số lượng này bảo đảm nhu cầu bổ sung cho các trường. Riêng các môn năng khiếu do số lượng đào tạo ít và người chịu về trường cũng ít nên các trường buộc phải mời giáo viên thỉnh giảng để bảo đảm không cắt xén chương trình. Tuy nhiên, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP, nêu vấn đề: TP cần 4.500 giáo viên bù đắp cho số lượng 2.000 giáo viên về hưu và nhu cầu nâng cao chất lượng, TP cũng đã cho phép ngành giáo dục tuyển giáo viên ngoài tỉnh ở bậc tiểu học. Vậy tình hình thiếu giáo viên bậc tiểu học đã được khắc phục? Ông Huỳnh Công Minh cho biết đúng là giáo viên tiểu học thiếu so với ngành khác. Một số huyện như Củ Chi đã xin phép đào tạo giáo viên tại chỗ nên tình hình thiếu giáo viên tiểu học cơ bản được giải quyết. Các quận, huyện như Bình Tân, Bình Chánh và Thủ Đức cũng bắt đầu áp dụng mô hình này. Bà Phạm Phương Thảo gợi ý giải pháp tiến tới để quận, huyện nơi nào thiếu người thì tuyển, thậm chí trường nào thiếu trường đó tuyển.

Tuyển sinh lớp 10: Vẫn còn “rớt oan”

Một phụ huynh khá tâm tư khi gọi điện vào chương trình cho biết con mình thi vào lớp 10 đạt 28,5 điểm, chỉ thiếu nửa điểm là vào được trường đăng ký nguyện vọng 1, nhưng không trường THPT nào ở quận Thủ Đức nhận vào học. Ông Huỳnh Công Minh trả lời: nhiều học sinh đăng ký nguyện vọng không phù hợp dẫn đến không trúng tuyển. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc tuyển sinh lớp 10 phải thực hiện nghiêm theo quy chế. Do đó, các học sinh này chỉ còn chỗ học ở các trường dân lập, giáo dục thường xuyên, học nghề... Bà Phạm Phương Thảo cho rằng tỉ lệ vào lớp 10 năm nay đạt 81,2% là nỗ lực của ngành, tuy nhiên về lâu dài, ngành giáo dục cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng làm sao để học sinh, phụ huynh nhận thức học nghề xong là có công ăn việc làm ổn định, có thể học liên thông lên ĐH khi có điều kiện.

Có mở rộng trường tự chủ tài chính?

Ngay sau khi ông Phạm Văn Phiệt, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết dù điểm đầu vào của trường không đứng đầu TP nhưng đầu ra có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 100%..., một phụ huynh gọi điện vào chương trình nêu một câu hỏi khá thú vị: Trường THPT Lê Quý Đôn có học phí 890.000 đồng/học sinh/tháng, mức đầu tư cao gấp nhiều lần so với trường tự chủ tài chính khác như Nguyễn Thái Bình (110.000 đồng/học sinh/tháng). mức đầu tư như vậy có tương xứng hiệu quả? Ông Huỳnh Công Minh lý giải: Trường THPT Lê Quý Đôn có nét khác biệt đó là mô hình quốc tế, sĩ số lớp chỉ 30 học sinh, học ngày 2 buổi, trang thiết bị đầy đủ... Do ít học sinh/lớp nên mức đóng góp phải nhiều hơn. Điều đạt được ở Trường THPT Nguyễn Thái Bình là môi trường sư phạm, trường lớp tươm tất, thu chi minh bạch, học sinh yếu được phụ đạo, học sinh có năng khiếu được bồi dưỡng mà không phải đóng thêm khoản phí nào...

Ông Huỳnh Công Minh cũng thể hiện ý muốn nhân rộng mô hình trường tự chủ tài chính. Về vấn đề này, Bà Phạm Phương Thảo cho biết HĐND TP sẽ xem xét trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm, hiệu quả của mô hình đang thí điểm.

Năm yêu cầu chống dịch cúm trong trường học

Ông Huỳnh Công Minh cho biết trước năm học mới, ngành giáo dục phối hợp với ngành y tế thực hiện 5 yêu cầu cơ bản phòng chống dịch cúm A/H1N1 trong trường học. Đó là thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch ở mỗi trường do hiệu trưởng làm trưởng ban; tập huấn giáo viên về cúm A/H1N1; làm tốt công tác vệ sinh môi trường; cán bộ y tế trường  thường xuyên theo dõi, nhắc nhở ở việc phòng chống dịch; khi phát hiện trường hợp mắc cúm phải báo ngay với ngành y tế. Ông Minh nhấn mạnh nếu trường nào không làm tốt 5 yêu cầu trên sẽ không được khai giảng.

  Theo Người Lao động

Đọc thêm