Học nghề, lựa chọn thông minh của thí sinh học trung bình

Sau khi hạn nộp NV3 vào các ĐH, CĐ kết thúc cũng là lúc mà mùa tuyển sinh ở các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề khởi động.

Sau khi hạn nộp NV3 vào các ĐH, CĐ kết thúc cũng là lúc mà mùa tuyển sinh ở các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề khởi động.[links()]

Tuy nhiên, những thí sinh hết cơ hội học ĐH đang có nhiều băn khoăn, thắc mắc chưa biết chọn học nghề nào phù hợp với khả năng, là chỗ dựa vững chắc cho tương lai, nghề nào sau khi ra trường dễ kiếm việc làm…?

Những băn khoăn trên lần lượt được các chuyên gia tư vấn trả lời trong buổi giao lưu trực tuyến Học nghề - Lập nghiệp do Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức sáng qua, tại Hà Nội.

Học một nghề thiết thực là cách lập thân, lập nghiệp tốt nhất.             Ảnh: Trung Kiên
Học một nghề thiết thực là cách lập thân, lập nghiệp tốt nhất.
Ảnh: Trung Kiên

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM cho biết, mỗi năm, có khoảng 1,5 triệu thanh niên đi học nghề, trong số đó trên 80% là học nghề ngắn hạn (dưới 3 tháng). 

Ông Hiệp chia sẻ, trong một cuộc thăm dò mới đây từ 3.000 phiếu hỏi về các lý do chọn nghề thì có tới 75 % trả lời do gia đình định hướng.

Như vậy, vấn đề đầu tiên là gia đình cần có nhận thức đúng về định hướng nghề nghiệp cho con em mình. Thêm vào đó, cần phân tích khả năng của bản thân và điều kiện của gia đình để lựa chọn nghề cho phù hợp. Theo Tổng cục Dạy nghề, tỷ lệ thất nghiệp sau khi ra trường đối với ĐH là 2,5 % trong khi đó tỷ lệ này với học nghề chỉ 1,8%.

Theo ông Dương Đức Lân, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục dạy nghề (Bộ LĐ&TB - XH), nếu khả năng học lý thuyết của HS ở mức độ trung bình khá trở xuống thì học nghề là lựa chọn thông minh.

Các chuyên gia đều cho rằng, việc định hướng nghề nghiệp trong các trường THPT còn nhiều hạn chế dẫn tới học sinh lựa chọn nghề không phù hợp với khả năng gây lãng phí nguồn nhân lực cho xã hội.

Nhằm nâng cao năng lực kỹ năng nghề cho người lao động, Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội dạy nghề Việt Nam cho biết: Hội đang phối hợp với CHLB Đức xây dựng trung tâm dạy nghề kỹ thuật cao tại Hà Nội có quy mô tuyển sinh 300 - 500 học sinh.

Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn và Hội Dạy nghề Việt Nam và đang triển khai chương trình phối hợp về học nghề lập nghiệp cho thanh niên.  Mỗi năm, sẽ đào tạo khoảng 10.000 bí thư đoàn trên địa bàn các xã, phường trở thành các tư vấn viên về học nghề, lập nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm.

Cùng với xu hướng lập khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp nhiều địa phương đang cần hàng chục nghìn lao động trẻ có tay nghề và trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Điển hình như tại Hà Tĩnh, từ nay đến 2015, cần khoảng 119.000 lao động, trong đó, Khu công nghiệp Vũng Áng 1 cần tới 42.000 người. Nghệ An đang cần hơn 121.000 người cho các dự án đang triển khai, trong đó, khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cần hơn 80.000 người…

Tại Hà Nội, riêng khu công nghiệp Bắc Thăng Long những tháng cuối năm 2009 này cũng có nhu cầu tuyển dụng gần 3.000 công nhân có tay nghề…

Hệ TCCN: thời lượng thực hành phải đạt 50 - 75% chương trình

Bộ GD-ĐT vừa hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2009 - 2010 về giáo dục chuyên nghiệp, yêu cầu các Sở GD-ĐT, các trường TCCN hình thành hội đồng tư vấn đào tạo có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp khi xây dựng chương trình và giáo trình. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy. Việc xây dựng chương trình đào tạo phải  đảm bảo thời lượng thực hành, thực tập đạt từ 50 - 75% tổng thời lượng toàn khóa.

 Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các trường  đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, hình thức đào tạo, các loại hình trường TCCN theo yêu của sản xuất và thực tiễn xã hội, gắn đào tạo với sản xuất kinh doanh và dịch vụ; đặc biệt chú ý thực hiện các giải pháp để phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học TCCN. Phấn đấu đảm bảo quy mô học sinh TCCN trong năm học đạt 650.000 người.

Theo Đất việt

Đọc thêm