Tin tưởng ở người bạn lớn

Những vướng mắc trong học tập, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè; những thay đổi về tâm sinh lý… của tuổi học trò, nếu không được giải quyết kịp thời, có khi sẽ để lại những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Do vậy, nhiều trường học đã thành lập phòng tư vấn tâm lý, có sự tham gia của giáo viên hoặc chuyên viên tâm lý, giúp các em học sinh (HS) chia sẻ để hoàn thiện mình hơn...

Những vướng mắc trong học tập, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè; những thay đổi về tâm sinh lý… của tuổi học trò, nếu không được giải quyết kịp thời, có khi sẽ để lại những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Do vậy, nhiều trường học đã thành lập phòng tư vấn tâm lý, có sự tham gia của giáo viên hoặc chuyên viên tâm lý, giúp các em học sinh (HS) chia sẻ để hoàn thiện mình hơn...

Mỗi thầy, cô là người bạn lớn

Mỗi thầy, cô là một người bạn lớn giúp HS giải quyết những vướng mắc trong học tập và cuộc sống.

Mỗi thầy, cô là một người bạn lớn giúp HS giải quyết những vướng mắc trong học tập và cuộc sống.

Năm học trước, Trường THPT Nguyễn Hiền đã có quyết định kỷ luật học sinh T.Đ.T với hình thức buộc thôi học. Nhưng ngay sau khi biết được hoàn cảnh gia đình của T. mồ côi cả bố lẫn mẹ, được người bác ruột vào Bình Phước đón về nuôi ăn học, quyết định trên đã được rút lại. Cô Lê Thị Thu Sương, giáo viên chủ nhiệm của T. cho biết: “Ban đầu, chúng tôi cứ tưởng người bác của em T. chính là bố ruột, bởi trong hồ sơ HS của em thể hiện như thế. Tìm đến nhà thì bà nội của em không tiếp chuyện. Từ những cơ sở đó, tôi đã thay đổi cách thức tiếp cận với T., bởi dù là HS cá biệt, nhưng rõ ràng em cũng là một nạn nhân của hoàn cảnh. Phải mất một thời gian, tôi mới tạo được sự tin cậy, gần gũi với em. Khi T. không còn né tránh thì mới có thể trò chuyện, khuyên nhủ được em. Rất mừng là em đã xác định được rằng từ người tốt trở thành người “xấu” thì dễ, nhưng từ người “xấu” trở thành người tốt là con đường không hề bằng phẳng và có quá nhiều cám dỗ”. Năm học này, T.Đ.T đã có nhiều tiến bộ trong học tập, đã ghi chép bài đầy đủ, không tham gia các hoạt động gây rối, đánh nhau trong và ngoài trường học.

T.Q.H cũng là một trường hợp khác của Trường THPT Nguyễn Hiền. Cô giáo Phan Thị Minh Thủy tâm sự: “Đối với những HS cá biệt, không thể giải quyết theo quy trình phê bình trước lớp, làm bản kiểm điểm, mời phụ huynh đến trường. Với trường hợp của em H., tôi thường xuyên tìm những điểm tiến bộ để tuyên dương trước tập thể lớp, nhờ em làm những việc như lau bảng, treo bản đồ… Thậm chí, có những khi báo trước với em là sẽ kiểm tra bài cũ của em vào giờ sau để em chuẩn bị bài được tốt. Dần dà, em có hứng thú trong giờ học, không còn trốn học, bỏ tiết nữa”.

Mỗi thầy, cô giáo luôn phải là người biết tôn trọng, lắng nghe và giúp học trò của mình tự lực giải quyết khó khăn. Thầy Phạm Úc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cho hay: “Tuy chưa có điều kiện thành lập riêng một phòng tư vấn, nhưng chúng tôi rất chú trọng đến hoạt động tư vấn tâm lý (TVTL) học đường với phương châm mỗi thầy, cô giáo cũng đồng thời là một tư vấn viên. Gần gũi, lắng nghe HS, đến với các em bằng cái “tâm” và cái “tình” để các em tin tưởng mà bộc bạch những khó khăn, những nỗi niềm riêng tư. Thầy, cô phải biết cách trở thành những người bạn lớn của HS thì công tác TVTL mới có thể thành công được. Khi tinh thần của các em sụp đổ, nếu thầy cô chìa tay đúng lúc, đúng cách, các em sẽ có được niềm tin, chỗ dựa để không xảy ra những sai lầm đáng tiếc”.

Trường THCS Kim Đồng là một trong những trường xây dựng phòng TVTL rất bài bản. Bắt đầu từ tháng 1-2010, Trường THCS Kim Đồng thành lập một phòng tư vấn riêng, được trang trí ấm cúng, tạo sự gần gũi, thoải mái và nhất là bảo đảm tính riêng tư cho HS. Trước mắt, vị trí tư vấn viên do một sinh viên thực tập khoa Tâm lý sư phạm của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đảm nhận. Tuy chỉ mới đi vào hoạt động, nhưng phòng TVTL của Trường THCS Kim Đồng đã là chốn đi về rất riêng tư của mỗi HS trong trường. Các em chia sẻ với tư vấn viên từ chuyện buồn của gia đình, mối quan hệ bạn bè, cách thức vượt qua những căng thẳng trong học tập… Theo cô Nguyễn Thị Pháp, Hiệu trưởng nhà trường, Trường THCS Kim Đồng đã có kế hoạch sẽ mời chuyên viên TVTL đến làm việc tại phòng TVTL, mở rộng nhiều hình thức tư vấn hơn nữa như tư vấn qua thư, qua điện thoại, qua các chương trình phát thanh của trường… bởi không chỉ có HS cá biệt mới cần được tư vấn, mà ngay cả những HS có học lực khá, giỏi cũng rất cần.

Trường THPT Hoàng Hoa Thám lại có một hướng đi khác: Để giúp HS hiểu rõ hơn về các vấn đề mà các em quan tâm, Ban giám hiệu thuờng xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề và mời các chuyên gia như các bác sĩ, các giảng viên tâm lý học của Trường ĐH Sư phạm đến tư vấn cho các em các vấn đề về sức khỏe giới tính, sự phát triển tâm sinh lý tuổi mới lớn, cách phòng tránh các tệ nạn xã hội... Thầy Trần Thị, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Cách tư vấn tốt nhất cho HS là thông qua những hoạt động cụ thể. Từ những tình huống, những câu chuyện, trò chơi… kết hợp với định hướng của tư vấn viên, HS có thể tự rút ra được một nguyên tắc sống là nên và chưa nên làm gì ở lứa tuổi HS”.

Hiền Lương

Đọc thêm