Tình ảo hay cuộc rượt đuổi tình yêu đích thực?

Một cuốn sách chạm vào những cảm xúc sâu kín nhất bên trong một người đàn ông.

 Nhiều người nói, tiểu thuyết của Từ Triệu Thọ luôn mang đến một chút gì đó khùng điên và bất cần như chính con người của nhà văn này vậy. Sinh năm 1968, Từ Triệu Thọ thuộc nhóm những người theo chủ nghĩa lí tưởng và đã từng bị người đời gọi là “tên điên khoác lác”, nhưng có lẽ hiếm có “người điên” nào lại đạt được nhiều thành công như anh trong dòng văn học mạng Trung Quốc. Nếu như Nhật kí phi thường đánh dấu cái duyên của Từ Triệu Thọ với nghiệp viết văn, thì Sinh năm 1980 lại tạo ra một cơn bão văn hóa đọc thật sự với độc giả trẻ ngay tại chính quê hương anh. Đọc tiểu thuyết của Từ Triệu Thọ, người đọc luôn được cảm nhận một cái tôi mạnh mẽ trong từng câu văn, khắc họa chân thực và rõ nét chân dung của cả một thế hệ thanh niên đương đại với những trăn trở, suy tư đậm màu thời đại. Và Tình ảo cũng không phải là ngoại lệ.

 

Tình ảo hay cuộc rượt đuổi tình yêu đích thực? ảnh 1
Sinh năm 1980
- một tiểu thuyết rất thành công của Từ Triệu Thọ

 

Nếu như người ta ví mỗi tác phẩm như đứa con tinh thần của nhà văn, thì Tình ảo có lẽ là “đứa con lạc loài” trong gia tài tác phẩm của Từ Triệu Thọ. Vẫn cái giọng điệu đầy day dứt và gây ám ảnh được đặc tả qua thể loại tự sự, nhưng với Tình ảo, độc giả sẽ không thấy mệt mỏi với quá nhiều những vấn đề của xã hội hiện đại như trong Sinh năm 1980 hay nhức nhối như khi đọc Nhật kí phi thường. Cuốn sách thấm đẫm những khao khát và mong mỏi về thứ tình cảm muôn thủa của con người: tình yêu, nhưng lại một lăng kính hiếm thấy trong văn chương, nhất là văn chương hiện đại - góc nhìn của một người chồng đã có gia đình. Có vẻ như, khai thác đến tận gốc rễ những băn khoăn của một người đàn ông về những thứ vụn vặt tưởng như phái mạnh chẳng bao giờ lưu tâm chính là cách để tác giả lột trần bản chất yếu đuối và sợ cô đơn của loài người.

Nghe cái tựa sách Tình ảo, nhiều độc giả dễ liên tưởng đến những câu chuyện tình yêu thời online, vốn có chút ảo tưởng và đôi khi là dễ dãi. Nhưng kì thực, Tình ảo qua cái nhìn của Từ Triệu Thọ lại hoàn toàn khác, hoặc ít nhất là cuộc tình vô thực của nhân vật Dương Thụ trong cuốn sách hoàn toàn khác. Toàn bộ cuốn sách là những trang nhật kí của một người đàn ông trưởng thành, đã có gia đình: Dương Thụ - một cách viết truyện lồng trong truyện rất đặc trưng cho phong cách của cây bút họ Từ. Khéo léo đưa người đọc đi qua những cột mốc thời gian quan trọng nhất trong cuộc đời mình, Dương Thụ từ từ giới thiệu bản  thân mình rồi dẫn người đọc đến mâu thuẫn lớn nhất trong cuộc đời anh ở thời điểm hiện tại: lựa chọn ai trong số hai người đàn bà anh đều hết mực yêu thương - cô vợ Trình Kỳ hay người tình ảo Minh Lệ?

Tình ảo hay cuộc rượt đuổi tình yêu đích thực? ảnh 2
Bìa sách Tình ảo

 


Cái câu hỏi tưởng chừng như không khó để trả lời đó kì thực lại quá đỗi rắc rối, nếu ở trong trường hợp của Dương Thụ. Bởi bài toán tình yêu trong Tình ảo được đưa ra không phải câu chuyện “ăn cơm hay ăn phở”, mà là giữa những cảm xúc lẫn lộn trong cuộc sống hiện đại, liệu anh có thể nhận ra được tình yêu đích thực của mình? Giữa một bên là người vợ xinh đẹp Trình Kỳ đã cùng anh gánh vác bao nhiêu khó khăn, sát cánh bên anh trong khó khăn hoạn nạn nhưng lại đang ngày một xa cách, lạnh lùng sau tai nạn của đứa con thơ. Và một bên là Minh Lệ, người tình trong mộng thủa xa xưa quá đỗi thông hiểu, gần gũi và chia sẻ, đã khơi dậy khao khát của thằng đàn ông trong anh. Cả hai người phụ nữ đó, một người đầu ấp tay gối, một người lại chỉ hiện hữu qua thế giới ảo nhưng đều là những phần không thể thiếu trong cuộc đời Dương Thụ. Và tất cả khiến anh phải giằng xé và vật lộn trên hành trình đuổi bắt tình yêu đích thực của mình…

Khi câu chuyện khép lại với những ngã rẽ riêng của từng nhân vật, sẽ có những độc giả cảm thấy hài lòng và ngược lại, sẽ có người cảm thấy không thỏa mãn. Nhưng dù có cảm xúc nào đi chăng nữa, Tình ảo vẫn sẽ khiến người ta không thể ngừng suy nghĩ ngay khi gập cuốn sách lại. Như một bức tranh về đời sống  vợ chồng trong văn học nhưng được treo ngược lại, và nhìn dưới con mắt mạnh mẽ và cứng cỏi của người đàn ông, những rạn nứt và điểm yếu của tình yêu đôi lứa như được soi rõ bởi Từ Triệu Thọ. Ở đó, người đọc sẽ thấy được ham muốn yêu và được yêu, chăm sóc và được chăm sóc, chở che và được chở che mãnh liệt đến mức nào trong mỗi tâm hồn cô độc. Và đó cũng là cái nôi nuôi dưỡng cho những cuộc tình - có thể là thật hoặc ảo, tồn tại hoặc vô hình, để chúng bù đắp và khỏa lấp những khoảng trống trong trái tim những người trẻ thời hiện đại.

Được kể với sự ưu tư chất ngất qua lăng kính của Dương Thụ, ý nghĩa mà Tình ảo đem lại cho mỗi người đọc lại khác nhau. Đó có thể đơn giản chỉ là ước muốn được có một tình yêu chân thành và hòa hợp giữa hai con người - về cả thể xác lẫn tâm hồn như Trình Kỳ và Dương Thụ. Đó có thể là niềm tin vào những cảm xúc được bản năng mách bảo trên con đường đi kiếm tìm “trái cấm” cho những kẻ cô đơn như Minh Lệ. Hoặc đó cũng có thể là tiếng gào thét của lương tâm và giá trị của sự chung thủy trong tình yêu với những người đang đi kiếm cho mình tình ảo?

(Theo 2sao)

 

Đọc thêm