Tình cố hương

Rất ít người biết lý do vì sao vào tuổi bảy mươi cha tôi còn chấp nhận tha hương. Do con cái ép nhiều quá? Do muốn tạo điều kiện cho mẹ tôi ra phố chữa bệnh? Do về cuối đời muốn được hưởng một tí tiện nghi, thứ cả đời cụ phấn đấu mà không có được? v..v...

Rất ít người biết lý do vì sao vào tuổi bảy mươi cha tôi còn chấp nhận tha hương. Do con cái ép nhiều quá? Do muốn tạo điều kiện cho mẹ tôi ra phố chữa bệnh? Do về cuối đời muốn được hưởng một tí tiện nghi, thứ cả đời cụ phấn đấu mà không có được? v..v...

Tất cả những điều ông giải thích, với mỗi người mỗi khác, chỉ cốt để ai đó khỏi đi quá sâu vào nỗi khổ tâm của ông: Tại nơi ông chôn rau cắt rốn, rồi oanh liệt, có quá nhiều kỷ niệm đau buồn. Có kỷ niệm riêng tư; có kỷ niệm do thời cuộc; có cả những lời nguyền mà ông không tự hóa giải được, cứ phải mang theo như mang xiềng xích. Và thêm cả điều này nữa, những kẻ thù của ông, bọn người mà ông muốn họ phải bị đày xuống địa ngục, lại cứ sống phây phây, không ít kẻ do có con cháu ở nước ngoài, thừa tiền để tạo cho mình một vị thế mới. Ngần ấy tâm sự, ngần ấy cay đắng ông muốn lần cuối cùng chôn sâu nó xuống cùng với “mảnh đất chết tiệt”, bằng cách lìa xa nó.

Ở nơi sinh sống mới, một khu phố đẹp như trong tranh, lại đặc biệt thơ mộng... cha tôi như đã tìm được niềm an ủi để tự biện minh cho tính đúng đắn trong quyết định của mình. Tôi cũng hy vọng thế và thầm cầu mong cha tôi có được sự thanh thản những ngày cuối đời. Vì vậy mỗi lần về thăm ông, tôi thường lờ đi cái làng cũ của mình, muốn nó không còn dính dáng đến cha tôi (nhất là sau khi mẹ tôi qua đời, khiến cha tôi thường cô đơn). Chỉ thấy cha tôi khỏe, có nhiều bạn tâm giao, tôi yên trí lắm. Thôi, thế là cuối cùng thì ông cụ cũng có được sự thanh thản... Và như để tạ ơn những láng giềng mới của cha, một hôm tôi quyết định lân la đi chơi. Mọi người biết tôi là nhà văn nên ai cũng dành cho riêng một sự trọng thị vượt ra ngoài khuôn khổ. Rồi họ chuyển sang nói chuyện về cha tôi.

- Ông cụ được các anh chị cung phụng chả thiếu thứ gì, chỉ phải cái nhớ quê quá, thỉnh thoảng lại như người mất hồn.

- Nhớ quê? Cha tôi nói là ông nhớ quê ư?

- Ô, thế ra cậu chẳng hiểu gì về ông cụ cả. Khắp phố D. này có ai lại không nghe cụ kể về làng cũ hàng trăm lần. Cứ như lời cụ thì đó là Thiên đường còn gì!

- Cha tôi kể ư? - Tôi vẫn như từ cung trăng nghe chuyện trần gian.

- Cậu sao thế? - Mọi người cũng tỏ vẻ ngạc nhiên - Cậu cứ làm như ông cụ kể về quê là mắc trọng tội ấy?

Tôi đã suýt buột miệng: “Trước kia thì đúng thế đấy”. May mà tôi kìm lại được để nghe tiếp:

- Bọn tôi định hôm nào rủ nhau về thăm quê cậu một chuyến đây. Khu công viên vẫn đẹp đấy chứ? Cây bàng sét đánh cụt ngọn chắc đã sum suê trở lại? Rượu Mai Chúa chỉ nghe cụ tả đã say bố nó rồi. Nhất định phải cho cánh chúng tôi thưởng thức món cá rô đầm Vực đấy nhé. Mà mùa này vùng Soi có nước chưa để anh em còn kéo vó. Bảo lão chủ mới đừng có cải tạo, cải tác gì khu vườn ông cụ trồng, cứ giữ nguyên thế mới đẹp.

Tôi tưởng như tôi đang ngồi nghe ai đó nói về quê của họ chứ không phải là họ đang nói về chính cái làng của tôi. Khốn khổ cho cái gọi là công viên! Cũng chẳng làm gì còn cá rô đầm Vực và giá mà họ nhìn thấy khu vườn cũ của cha tôi? Nhưng tôi còn có thể nói gì nữa bởi chính những điều đó tôi cũng nghe lần đầu. Tất cả từ ký ức, nỗi nhớ cố hương của cha tôi. Tất cả đã được thi vị hóa.

- Này ông H, ông K, ông L, ông S, chị Q, lão N... dạo này có khỏe không, những người lớp tuổi cụ ấy?

Tôi cười méo mó, gật đầu đại đi. Giá mà họ biết những người họ vừa hỏi thăm đều là kẻ thù của cha tôi. Chính vì mấy người đó mà cha tôi bỏ làng ra đi để giờ đây ngay cả họ cũng đã kịp thành ký ức ông như một phần của quê hương yêu dấu mà ông mang theo.

TẠ DUY ANH

Đọc thêm