Vợ chồng hồi trẻ có hay mâu thuẫn, cãi nhau còn đỡ, bởi dù sao cũng còn những tình cảm nồng nàn đắm say bù đắp, níu giữ. Vì dù gì khi còn mặn nồng gối chăn, người ta dễ quên được nhiều điều phiền lụy và dễ bỏ qua những gì sai trái của nhau.
Ngược lại, người già tuy thấu đáo lẽ đời, hiểu nhiều về con người nhưng lại hay chấp nhặt, bắt bẻ.
Ở xóm tôi có dăm bảy cặp vợ chồng già, lạ một điều là họ hầu như đều sống không thuận hòa. Không rõ lắm hồi trẻ họ như thế nào mà đến lúc cần nhất sự ổn định, bình yên để có thể thảnh thơi đi hết đoạn đường đời cùng nhau thì họ lại thường xuyên cắng đắng, hờn lẫy, bất bình.
Bác V. sát bên nhà tôi thì gây suốt về chuyện ăn uống. Răng bác gái còn chắc nên kho thịt cứng, hầm xương cứng, xào không mềm hẳn... khiến bác trai nhai nuốt khó khăn. Thế là có chuyện. Gây qua gây lại, làm các con ở sát bên phải nhào vô can thiệp. Các con đề nghị: “Vậy ba cứ nấu ăn theo ý ba đi...”. Vậy là bữa cơm nào do ba nấu, cái gì cũng “mềm chảy ra nước” - kiểu nói của bác gái - và lại gây. Cuối cùng, bác trai nấu ăn một tuần bác gái nấu một tuần. Vợ chồng tôi cứ nghe ai khai chiến trước là biết người đó bị tước quyền đứng bếp và ngược lại.
|
Câu mâu, trả treo, móc mỉa, đá thúng đụng nia riết vợ chồng bác T. ở cuối xóm tôi đành chịu cảnh ông nhà trước, bà nhà sau. Ông không ăn cơm bà nấu mà ăn cơm của con dâu nấu bới vô cà-mèn đem tới một lần ăn cả ngày. Để cho tiện, thực đơn luôn gói gọn trong hai món là canh với đồ mặn. Ông ăn riết ngán muốn bỏ bữa. Đã vậy bà còn trêu ngươi bằng cách nấu xào nướng chiên gì mà thơm điếc mũi. Vậy là gây.
Ông nói bà là đồ ác độc, ích kỷ chỉ biết có mình mà không nghĩ tới ai. Bà kêu ông là đồ làm biếng chảy thây, muốn ăn ngon sao không chịu lăn vô bếp... Tôi nhiều lần qua chơi, có cảm giác ông nhai miếng cơm trong miệng sao quá khó khăn. Vì cơm nguội, thức ăn dở đã đành mà vì còn phải lụi cụi ăn một mình. Và bà? Đồng ý là cơm dẻo canh ngọt, cá tôm nóng sốt nhưng áng chừng bà ăn cũng quá... trầy trật. Chắc cũng do lủi thủi ăn có một mình. Vợ chồng già hơn thua nhau có chút êm ấm hạnh phúc ở chặng cuối đời mà phải chịu cảnh như thế này. Đúng là xót xa quá!
Dòm qua, ngó lại mấy cặp già ở xóm tôi coi như bỏ không. Ngoại trừ vợ chồng bác Chính. Bác gái đã trên bảy mươi nhưng vẫn còn khỏe mạnh lắm. Đã quen mua bán từ hồi nhỏ nên giờ bác vẫn ra chợ mỗi ngày. Bác nói, cứ ở không là muốn bệnh. Bác trai trên tám mươi, đã yếu nhiều. Bác gái đi bán đâu từ hồi mờ sớm, tới khoảng hai, ba giờ chiều mới về. Bác trai đợi tới lúc vợ về mới cùng ăn cơm, sau đó nghỉ ngơi.
Chiều nào khoảng năm giờ cũng có một chiếc xích lô lại đón tận nhà. Có lần gặp bác gái đi chợ về, tôi hỏi hai bác đi đâu mà chiều nào cũng đi hoài như thế. Bác gái nói, hôm thì đi ra bờ biển, hôm thì xuống công viên. Chính là để bác trai vừa hít thở không khí trong lành vừa tập đi nhúc nhắc vì sợ đôi chân bị liệt. Thật khó để gặp được đâu đó trong cuộc đời này một đôi vợ chồng già mà còn thương yêu, quấn quít nhau đến thế!
Vợ chồng tôi cũng đã vào tuổi “đón gió heo may”. Nếu còn được đồng hành với nhau vài chục năm nữa cũng đã là diễm phúc. Được cảnh ấm êm như vợ chồng bác Chính, dĩ nhiên là điều ai cũng ước ao. Nhưng nếu cứ như những cặp vợ chồng già suốt ngày gây gổ ở xóm tôi, thì quả thật rất đáng buồn. Vì khi tuổi già sức yếu, có lẽ điều quý giá nhất là sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn...
Theo Thanh Niên