Tỉnh Hà Nam đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

(PLVN) - Ngày 17/10, tỉnh Hà Nam trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Nam (20/10/1890 - 20/10//2020) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Nam. Ảnh: VGP

Dự buổi lễ có các đồng chí: Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích xuất sắc mà tỉnh Hà Nam đã đạt được trong suốt chặng đường 130 năm xây dựng và phát triển.

Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam; trao Huân chương Lao động cho 15 cá nhân và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 1 cá nhân./.

Phó Chủ tịch nước lưu ý Hà Nam cần phát huy tiềm năng, lợi thế là cửa ngõ phía nam của Thủ đô Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, vị trí trung tâm kết nối các tỉnh đồng bằng sông Hồng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tập trung xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng kỹ thuật khu vực công nghiệp, hệ thống xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường…

Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính, cải cách các thủ tục hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động. 

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, thương mại dịch vụ; phát triển nhanh và bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số và nằm trong tốp đầu của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, phấn đấu tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương; GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân trung của cả nước.

Cùng với đó, tỉnh cần thực hiện tốt quy hoạch tỉnh, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao; tăng cường quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường và tài nguyên khoáng sản;

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19;

Quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, y tế, thể thao; thực hiện tốt các chính sách an sinh, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng quốc phòng vững mạnh bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ngày 20/10/1890, tỉnh Hà Nam được thành lập gồm 5 huyện: Kim Bảng, Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm và tỉnh lỵ Phủ Lý. Năm 1965, Hà Nam hợp nhất với tỉnh Nam Định thành tỉnh Nam Hà, đến năm 1976 hợp nhất với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1997, sau 32 năm hợp nhất với tỉnh Nam Định và Ninh Bình, tỉnh Hà Nam được tái lập.

Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh Hà Nam và 53 tập thể, 39 cá nhân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hơn 1.400 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Kinh tế tăng trưởng nhanh, bình quân đạt trên 11%/ năm. Ảnh: baonhandan

Từ một tỉnh nghèo, kinh tế thuần nông, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp chiếm gần 50% GDP; công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, Hà Nam đã dần trở thành một tỉnh phát triển năng động. Kinh tế tăng trưởng nhanh, bình quân đạt trên 11%/ năm.

Năm 2020, cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng đạt 63%, dịch vụ 27,5%, nông lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 9,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 66,6 triệu đồng. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đạt 38.337 tỷ đồng, gấp 2,8 lần  so với giai đoạn 2011-2015, tăng bình quân 23,6% /năm. Năm 2020, thu ngân sách ước đạt 10.000 tỷ đồng, gấp hơn 62 lần năm 1997.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả. Đến nay, 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 6/6 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đọc thêm