Tình hình Syria diễn biến ngày càng phức tạp

Trong khi Nga tỏ vẻ lạc quan trước cam kết chấm dứt tình trạng bạo lực của Tổng thống Syria Bashar al-Assad thì giới chức Mỹ nói rằng Washington đã mất hết kiên nhẫn và rằng “thời gian của ông Assad chỉ còn tính từng ngày”.

Trong khi Nga tỏ vẻ lạc quan trước cam kết chấm dứt tình trạng bạo lực của Tổng thống Syria Bashar al-Assad thì giới chức Mỹ nói rằng Washington đã mất hết kiên nhẫn và rằng “thời gian của ông Assad chỉ còn tính từng ngày”.

Tổng thống Syria Assad và Ngoại trưởng Nga Lavrov. Ảnh: AFP
Tổng thống Syria Assad và Ngoại trưởng Nga Lavrov. Ảnh: AFP

Ông Assad cam kết chấm dứt bạo lực

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 7/2 đã đến Damascus trong sự chào đón của hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống al-Assad. Ngay sau đó, ông Lavrov đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Assad. “Chúng tôi khẳng định sẵn sàng hành động nhanh chóng để giải quyết cuộc khủng hoảng dựa trên kế hoạch do Liên đoàn Ả rập (AL) đề ra” – ông Lavrov tuyên bố sau cuộc gặp và nói thêm rằng Syria đã sẵn sàng để tiếp nhận các phái đoàn của AL đến nước này.

“Chúng tôi có lý do để tin vào các tín hiệu mà chúng tôi mang đến đây tích cực hơn so với tất cả các biện pháp để giải quyết khủng hoảng đã được biết đến” – thông tấn xã Nga dẫn lời ông Lavrov cho biết.

Tuyên bố này của ông Lavrov được đưa ra ngay sau khi hãng thông tấn SANA của Syria loan báo, Ủy ban soạn thảo hiến pháp Quốc gia Syria đã hoàn tất công việc và đệ trình một dự thảo hiến pháp mới lên Tổng thống Assad theo đúng các thủ tục lập hiến.

Ủy ban trên được ông Assad thành lập tháng 10/2011, gồm 29 giáo sư, luật sư và cả các thành viên đối lập, với nhiệm vụ soạn thảo một hiến pháp mới cho Syria trong vòng 4 tháng.

Theo kế hoạch, dự thảo hiến pháp mới sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân vào đầu tháng 3 tới. Sửa đổi hiến pháp là một trong những yêu cầu chính của người biểu tình tại Syria suốt gần một năm qua. “Tổng thống Assad đã toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ chấm dứt bạo lực, bất kể do bên nào gây ra” – ông Lavrov nhận định về động thái trên.

Mỹ hoài nghi

Tuy nhiên, phía Mỹ tỏ ra đầy hoài nghi. “Cộng đồng quốc tế nói chung rất hoài nghi, và thay vì tập trung vào việc chấm dứt bạo lực thì dường như lại sắp phải đưa ra những yêu cầu như giống như rất nhiều lần trước đối với ông Assad” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice thì tỏ ra vô cùng cứng rắn. “Thời gian của ông đang được đếm ngược. Thời điểm để cho ông chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và có trách nhiệm đã qua” – bà Rice tuyên bố, ám chỉ trực tiếp đến nhà lãnh đạo Syria.

Phát biểu của bà Rice được đưa ra sau khi 2 quan chức cấp cao của Mỹ nói với hãng tin CNN rằng, song song với việc  tập trung vào việc gây áp lực về ngoại giao và kinh tế lên Damascus thì Lầu Năm Góc và cơ quan chỉ huy trung ương Mỹ cũng đã bắt đầu đánh giá lại khả năng quân sự của Mỹ để chuẩn bị cho các trường hợp cần thiết do Tổng thống Barack Obama đề xuất.

“Mỹ có thể can thiệp quân sự vào Syria. Tuy nhiên, chiến dịch đang được áp dụng vẫn là gây áp lực cả về kinh tế lẫn ngoại giao lên nước này” – vị quan chức giấu tên cho hay.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 7/2, 6 nước thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cho biết đã quyết định trục xuất các đại sứ của Syria, đồng thời triệu đại sứ của họ ở Damacus về nước. Mỹ, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Anh và Bỉ cũng đã cho triệu đại sứ của mình tại Damascus về nước để tham vấn.

Trong khi đó, tại Homs, hàng trăm người được cho là đã thiệt mạng trong những vụ pháo kích gần đây. Theo các nhóm hoạt động nhân quyền, sáng qua (8/2), lực lượng chính phủ vẫn tiếp tục pháo kích vào thành phố này, làm ít nhất 40 người thiệt mạng.

Bảo An (Theo AFP, CNN)

Đọc thêm