Tình huống giả, hậu quả thật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bất kể vì lý do gì cũng không thể mang hành khách ra làm “thí nghiệm”, đẩy họ hoàn toàn bị động, rơi vào tình thế bất ngờ.
Tàu điện Cát Linh - Hà Đông “diễn tập phản ứng với sự cố”
Tàu điện Cát Linh - Hà Đông “diễn tập phản ứng với sự cố”

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông vừa lần đầu tiên “diễn tập phản ứng với sự cố” kể từ khi tuyến đường sắt này được đưa vào khai thác thương mại. Theo miêu tả của đơn vị quản lý thì “tình huống diễn tập” là “từ 18h30 đến 19h5, tại ga Cát Linh đã xảy ra sự cố lỗi tín hiệu. Đơn vị vận hành đã đưa tàu về ga gần nhất khi có sự cố; vận hành giao lộ nhỏ để tàu đi tới ga Thượng Đình rồi lại quay về Yên Nghĩa; đồng thời xử lý tín hiệu, tại đích đến thông báo cho hành khách và trả lại tiền. Sau hơn 30 phút kiểm tra theo kịch bản, tuyến tàu điện đã được khai thác trở lại bình thường”.

Điều đặc biệt trong cuộc “diễn tập” này là khách không được thông báo trước, theo yêu cầu của phía tư vấn nước ngoài, mà mọi chuyện xảy ra y như thật. Được biết, lúc trên đoàn tàu “diễn tập” có khoảng 40 hành khách.

Theo “tình huống diễn tập” trên, có thể hiểu là khách có thể chỉ phải ngồi yên một chỗ trên tàu, mất thêm thời gian so với dự định, lo lắng, bồn chồn, sợ hãi trước “sự cố”; chứ không phải có những động thái như sợ hãi chen nhau tháo chạy khỏi đoàn tàu “diễn tập”. Thế nhưng, dư luận vẫn dấy lên phản ứng nhà tàu có quyền bắt hành khách làm “chuột bạch” hay không?

Về phía lãnh đạo Metro Hà Nội, cho rằng theo khuyến cáo của Tư vấn độc lập ACT (Pháp) trong năm đầu khai thác thương mại, quá trình vận hành đoàn tàu nên diễn tập những tình huống có thể xảy ra trong vận hành.

“Khi diễn tập sự cố thì ngay cả Metro Hà Nội cũng không được thông báo trước, việc này do cơ quan nhà nước kích hoạt bất ngờ để kiểm tra phản ứng của đơn vị vận hành”, vị này nói và cho rằng “việc diễn tập không ảnh hưởng tới tính mạng hay an toàn của hành khách đi tàu”, “tình huống diễn tập có thể xảy ra bất ngờ, nhưng chúng tôi sẽ thông báo cho khách ngay sau đó”.

Những trấn an trên không thuyết phục được dư luận. Một số ý kiến mổ xẻ, trong một số lĩnh vực, pháp luật có những quy định về việc diễn tập để ứng phó với nguy cơ sự cố, tai nạn xảy ra. Nhưng việc diễn tập cấp cứu trong hoạt động y tế, PCCC… đều phải dựa trên các quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cách thức triển khai theo phương án được phê duyệt; và đặc biệt là những việc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và sinh hoạt của người dân thì luôn phải được thông báo trước.

Về nguyên tắc, nếu là diễn tập thì phải có sự đồng ý của hành khách hoặc ít nhất là cũng phải thông báo trước một cách rõ ràng, hợp lý. Bất kể vì lý do gì cũng không thể mang hành khách ra làm “thí nghiệm”, đẩy họ hoàn toàn bị động, rơi vào tình thế bất ngờ.

Một LS cho hay, tra cứu “đỏ con mắt” trong Luật Đường sắt và các nghị định, thông tư hướng dẫn cũng không thấy có quy định nào cho phép nhà tàu được quyền mang khách làm “chuột bạch” như nêu trên. LS này cho rằng muốn đảm bảo yếu tố “bất ngờ”, nhà tàu tuyển tình nguyện viên hoặc thuê người để làm việc đó; chứ không thể coi thường sức khỏe, tính mạng người dân, trong đó có thể bao gồm cả bệnh nhân, người già yếu, trẻ em, phụ nữ có thai, người khuyết tật.

Như vậy, động thái của Metro Hà Nội là thiếu cơ sở pháp lý. Tình huống giả nhưng hậu quả đã xảy ra. Nếu không chấn chỉnh vấn đề này, rất có thể người dân sẽ có quan điểm e ngại nếu định sử dụng đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Đọc thêm