Tình người xoa dịu nỗi đau do di chứng chiến tranh

(PLVN) - Mỗi thương, bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An đều mang những di chứng chiến tranh, bệnh tật mất sức hay tâm thần nên việc chăm sóc rất khó khăn. Thế nhưng các cán bộ nhân viên, bác sĩ tại Trung tâm luôn tận tụy với công việc, họ thuộc lòng từng sở thích, món ăn của mỗi người để phục vụ tốt nhất. 

Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An được thành lập từ năm 1974. Đây là nơi có chức năng, chăm sóc nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho đối tượng người có công, thân nhân người có công và một số đối tượng chính sách khác bị bệnh tâm thần. 

 Bác sỹ Nguyễn Thanh Tuấn – Phó phòng y tế điều dưỡng của trung tâm đang khám cho 1 bệnh nhân

Hiện đơn vị đang chăm sóc điều trị và nuôi dưỡng 70 thương bệnh binh và thân nhân liệt sỹ. Các bệnh nhân ở đây đều là thương, bệnh binh nặng, tỉ lệ thương tật trên 81% thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Các thương binh tại đây gồm 3 thế hệ: chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới và nghĩa vụ Quốc tế. Họ là những thương, bệnh binh tâm thần, đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật, di chứng do chiến tranh để lại.

 Những bệnh binh nặng luôn được trung tâm chăm sóc bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng

Bác sỹ Nguyễn Thanh Tuấn – Phó phòng y tế điều dưỡng của Trung tâm chia sẻ, chăm sóc người bình thường đã khó, chăm sóc những người có vấn đề về thần kinh càng khó khăn, vất vả bội phần. Mình phải hiểu rõ tính cách, sở thích của mỗi thương, bệnh binh để có các chăm sóc đúng.

Ví như bệnh binh Phan Huy Phác (88 tuổi), tuổi cao, tính khó gần nên anh em trong trung tâm phải khéo léo trong việc tiếp xúc hay thăm khám bệnh. Đặc biệt, cụ có sở thích độc đáo là nấu bánh quy lên để ăn thay cơm nên các cán bộ, nhân viên trong trung tâm luôn sẵn sàng tinh thần đi mua bánh mỗi khi cụ nhờ.

Món ăn khoái khẩu của bệnh binh Phan Huy Phác (88 tuổi) mỗi ngày là bánh quy nấu lên

“Nhiều khi bố mẹ, người thân ở nhà mình không nắm rõ sở thích cá nhân, nhưng với các chú, các bác trong trung tâm thì anh em hầu như thuộc như lòng bàn tay”, bác sỹ Tuấn cho hay. 

Thường những thương binh tâm thần kinh càng ngày càng trở nên ngại hoạt động, sinh hoạt hơn bình thường, họ đi dần vào thế giới riêng của mình. Chính vì thế, khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An thường tổ chức những hoạt động phục hồi chức năng như: tập thể dục, xem tivi, đọc báo, nghe thời sự, chơi thể thao nhẹ… để các thương binh nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.

 
 Ngoài những cơn đau giày vò thân thể, những thương binh lại tìm đến những nguồn vui thường nhật

Đặc biệt, những đợt bệnh nặng phải lên tuyến trên điều trị, khu điều dưỡng đều cử cán bộ đi cùng chăm sóc cho đến khi các thương binh điều trị xong. Ở khu điều dưỡng, tất cả các bác sĩ, điều dưỡng viên đều nhớ hết tên tuổi, quê quán, họ gắn bó với nhau như người thân trong một gia đình lớn.

Tại trung tâm ngoài tình thương, sự quan tâm chăm sóc của các cán bộ, nhân viên thì có một tình thương đặc biệt của các thương bệnh binh với nhau và giữa thương bệnh binh với nhân viên làm việc ở đây. 

Bệnh binh Trần Hữu Diến và cựu nhân viên của trung tâm bà Hoàng Thị Khánh là cặp đôi như thế. Bệnh binh Diễn vào trung tâm từ năm 1976 với tỉ lệ thương tật nặng, chỉ có thể nhìn, tự hít thở và nói (dù không rõ) và không vợ con. Quá trình sinh sống tại trung tâm, ngoài sự chăm sóc của nhân viên, ông còn được bà Khánh quan tâm, giúp đỡ.

Từ sự chăm sóc tận tụy của một nhân viên với bệnh binh nặng đến tình cảm đặc biệt như hai người bạn tri kỉ. Ngày nào không thấy bà vào thăm, ông không ăn, có khi chỉ khóc. Còn bà, mấy năm gần đây dù đã nghỉ hưu nhưng ngày nào không ghé qua trung tâm, nói với ông dăm ba câu chuyện thì ngày đó không yên tâm.

 Dù đã nghỉ công tác tại Trung tâm nhưng mỗi ngày bà Khánh đều vào thăm ông Diến

Ông bảo đó không phải là tình yêu mà là bạn thân, bạn đặc biệt. Còn với bà Khánh, đó là cái tình, cái nghĩa, cái tâm, là tình cảm yêu thương ruột thịt.

Cũng tại Trung tâm, có khoảng 10 cặp vợ chồng đã nên duyên với nhau. Cùng mang hoàn cảnh giống nhau nên họ dễ dàng đồng cảm, từ đó, tình yêu nảy nở. Sau ngày lấy nhau họ vẫn chọn nơi này để sống, sinh con đẻ cái, nuôi dưỡng con cái nên người, thành tài. 

Trong đó có vợ chồng cựu binh Phan Nhân Toàn và bà Nguyễn Thị Hồng. Giờ đây, con cái đã phương trưởng, có cuộc sống riêng nhưng ông bà vẫn chọn trung tâm làm nơi sinh sống. “Mình ở đây gần gũi anh chị em đồng cảnh ngộ, lại được sự quan tâm chu đáo của các cán bộ nhân viên trung tâm. Đây là ngôi nhà thứ hai của vợ chồng tôi”, bà Hồng nói.

 Nên duyên từ trung tâm, vợ chồng cựu binh Phan Nhân Toàn và bà Nguyễn Thị Hồng xem đây là ngôi nhà thứ 2

Với tình yêu thương chân thành, chăm sóc chu đáo thương binh bằng lòng biết ơn, như người thân trong gia đình mình, nên niềm vui của các y, bác sĩ, điều dưỡng khi chăm sóc thương binh ở đây cũng rất đơn giản, nhiều khi chỉ là những nụ cười, câu nói vui, một hành động của các thương binh đã là động lực to lớn để họ tiếp tục cố gắng.

Đọc thêm