Hết lòng vì học viên
Với 17 cán bộ nhiệm vụ quản lý, giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe… cho hơn 100 học viên cai nghiện mỗi năm nơi vùng biên, tương đương mỗi cán bộ quản lý 4-5 học viên luôn đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nhưng trong họ, tình yêu nghề, trách nhiệm với công việc mình làm và trách nhiệm với xã hội luôn là kim chỉ nam để họ tự nhắc nhở mình làm tốt hơn nữa công việc.
Trung tâm GDLĐXH Kỳ Sơn nằm dưới chân ngọn núi bên quốc lộ 7A, cách trung tâm TP Vinh khoảng 250km đường bộ. Có mặt tại đây cuối chiều những ngày đầu mùa hè năm nay khi học viên đã đến giờ nghỉ ngơi sau một ngày lao động vất vả. Tất cả quây quần bên sân bóng chuyền cười, nói vui vẻ, quên đi sự mệt nhọc, quên đi cơn vật vã của những cơn nghiện mà thường ngày họ phải chịu đựng.
Thực hiện tốt công tác tiếp nhận học viên vào cai nghiện bắt buộc và tự nguyện, với nhiệm vụ được giao năm 2016 là 100 học viên nhưng thực tế con số học viên là 108 đối tượng, đạt 118% kế hoạch giao, so với năm 2015 đạt 437%. Trong đó, tiếp nhận bắt buộc 116 học viên, 2 học viên tự nguyện, 13 học viên hoà nhập cộng đồng. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với xã Hữu Kiệm và xã Chiêu Lưu tổ chức cai nghiện cộng đồng cho 10 đối tượng. Trung tâm luôn chủ động và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cán bộ đưa học viên vào cai nghiện như: đơn giản hoá thủ tục hành chính, không gây phiền hà, tiếp nhận 24/24 giờ kể cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ và buổi tối.
Sau khi tiếp nhận, học viên được chuyển tiếp sang bộ phận y tế để cắt cơn, giải độc. Tiếp theo được chuyển sang quản lý giáo dục, dạy nghề. Đối với học viên bị bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị tại Trung tâm thì sẽ bàn giao người cho gia đình tự cắt cơn.
Đối với học viên bỏ trốn khỏi thì Trung tâm sẽ thông báo và phối hợp với các ngành chức năng truy bắt quay trở lại tiếp tục giáo dục. 100% Học viên vào trung tâm được khám, kiểm tra và đánh giá tình hình sức khỏe, thời gian nghiện để có phác đồ cắt cơn, giải độc phù hợp với từng đối tượng. Thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho học viên, kết hợp làm các xét nghiệm sàng lọc HIV/AIDS. Định kỳ 6 tháng, trung tâm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tất cả các học viên. Ngoài ra, cán bộ trung tâm còn phối hợp với Trạm xá xã Hữu Kiệm tổ chức tẩm màn chống muỗi, làm xét nghiệm HIV cho tất cả các học viên…
Mong học viên trở thành người có ích cho xã hội
Trước khi trở lại hoà nhập cộng đồng thì được giáo dục các kỹ năng sống để phòng tránh tái nghiện ma tuý, khám và tư vấn kỹ năng phòng lây nhiễm HIV/AIDS qua đường tiêm chích và quan hệ tình dục. Tuyên truyền giáo dục nhân cách, giáo dục pháp luật, Luật Phòng chống ma tuý, cách phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
Trong năm 2016 Phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe đã tiến hành cắt cơn, giải độc, điều trị 141 học viên; khám và điều trị sức khỏe thông thường 564 lượt học viên; chuyển điều trị tuyến trên 5 học viên. Công tác quản lý, dạy nghề lao động sản xuất luôn xác định là nhiệm vụ chính và trọng tâm của công tác cai nghiện ma tuý.
Thường xuyên tổ chức cho học viên tham gia lao động sản xuất theo các tổ đội như: Trồng rau, vệ sinh, chăn nuôi, ao cá, làm mộc… qua đó học viên vừa tham gia lao động trị liệu, học nghề và tạo ra nguồn thu nhập cải thiện bữa ăn hàng ngày. Năm 2016, có 45 học viên được tổ chức dạy nghề trồng nấm, nghề mộc, 2,6 tấn rau xanh là sản phẩm của các học viên trong năm qua để phục vụ cho cán bộ và học viên.
Trong năm cũng tiếp đón khoảng 3.000 lượt người đến thăm và gửi quà cho học viên. Ba tháng đầu năm 2017, đã tiếp nhận 12 đối tượng cai nghiện mới, tổ chức được 2 lớp dạy nghề trồng nấm rơm và nghề mây tre đan. Trung tâm còn ký cam kết với bà con nhân dân vùng lân cận không bao che, tiếp tay hoặc tham gia mua, bán các đồ vật, hàng hoá trung tâm cấm.
Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù, tỷ lệ đối tượng có tiền án, tiền sự chiếm nhiều, một số đối tượng nghiện nặng, nghiện lâu năm, sử dụng cùng một lúc nhiều loại ma tuý, đa số đối tượng bị nhiễm bệnh lao, bệnh phổi, viêm gan B, C và một số bệnh truyền nhiễm khác. Đây luôn là trở ngại lớn đối với những người làm công tác điều trị và quản lý trực tiếp người cai nghiện, đặc biệt là với cán bộ nữ. Mặt khác, cơ sở hạ tầng xây dựng, máy móc được đầu tư hơn 10 năm nên đã hư hỏng nhiều…
Nhắc lại câu chuyện của một số học viên sau khi cai nghiện xong, trở thành người có ích cho xã hội, ông La Văn Táy - Giám đốc Trung tâm rất lấy làm tự hào. “Học viên Chương Văn Chít (xã Tà Cạ) sau khi cai nghiện trong trở về địa phương thành người tốt. Được tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động, ngày ra sân bay Chít điện về báo “thầy ơi em chuẩn bị lên máy bay rồi, cám ơn thầy và các thầy cô đã giúp em….”.
Hay như trường hợp Moong Phò Thum (xã Bắc Lý) sau khi cai nghiện đã về nhà làm trang trại, mô hình kinh tế VAC có hiệu quả lắm. Đối với cán bộ trung tâm, thấy học viên ra đời thành người tốt là một hạnh phúc nhất của cuộc đời….” - ông Táy nói. Ngoài ra, những học viên nghiện nặng, bị gia đình bỏ rơi, không có ai thăm nuôi cũng nhụt mất ý chí cai nghiện, hiểu được điều này cán bộ trung tâm luôn là chỗ dựa, động viên để các học viên quyết tâm cai nghiện hơn…