Trong cuộc họp với lãnh đạo các doanh nghiệp đóng tàu lớn như Hạ Long, Nam Triệu, Bạch Đằng, Phà Rừng, Cam Ranh, Sài Gòn về việc giải quyết khó khăn, tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) ngày 27-8, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, các doanh nghiệp đóng tàu phải rà soát lên phương án tối ưu cho từng dự án, không hỗ trợ tràn lan để phục hồi sản xuất.
Theo đó, yêu cầu số một đối với các doanh nghiệp đóng tàu là phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, ổn định tư tưởng người lao động. Lãnh đạo các đơn vị phải thường xuyên tới từng phân xưởng, nhà máy nói chuyện, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và ổn định tư tưởng cho người lao động, phải sắp xếp lao động hợp lý, đặc biệt ưu tiên các lao động kỹ thuật cao, quản lý giỏi.
Phó thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh các doanh nghiệp phải cố gắng tiếp tục triển khai, hoàn thành các dự án, các hợp đồng đã cam kết. Chủ trương của Chính phủ là không xử lý tháo gỡ theo kiểu tổng hợp, “đóng cả gói” mà sẽ phải rà soát, lên phương án tối ưu, chi tiết về vốn, cơ chế đối với từng dự án, hợp đồng. Phương hướng này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực để giải phóng sớm các hợp đồng khả thi nhất, giảm nợ và tạo lực mới để “gỡ” các hợp đồng, dự án tiếp theo. Đồng thời, cũng có được cơ sở để mạnh dạn và kịp thời xử lý những hợp đồng, dự án phải hủy hoặc bị trả lại.
Lãnh đạo Vinashin được giao nhiệm vụ theo sát việc xây dựng phương án đối với từng hợp đồng, dự án cũng như giao ban trực tuyến hàng tuần để việc triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, kịp thời tháo gỡ hoặc báo cáo các vướng mắc phát sinh. Các đơn vị đóng tàu phải có cam kết tiến độ chi tiết tới từng hạng mục, hợp đồng khi nhận được hỗ trợ cũng như các cam kết về nghĩa vụ tài chính cụ thể đối với các tổ chức tín dụng để được tháo gỡ khó khăn về tài chính.
Theo báo cáo của các đơn vị thành viên Vinashin, hầu hết các dự án đóng tàu, xây dựng nhà máy đều đang chậm tiến độ hoặc bị treo do khó khăn về tài chính. Từ ngày 1-7 đến ngày 25-8, các đơn vị thuộc Vinashin đang tiếp tục triển khai đóng 110 tàu với tổng giá trị hợp đồng là 1,47 tỷ USD. Hiện các đơn vị mới bàn giao được 2 tàu, tiến hành đàm phán với các chủ tàu khác xử lý về thời gian giao tàu, thời hạn bảo lãnh hoàn trả… Còn lại, một số hợp đồng đóng tàu đã bị hủy.