Tình trạng gia tăng đột biến các vụ cháy rừng trên địa bàn thành phố: Các địa phương chú trọng phòng ngừa

Từ đầu tháng 10 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 10 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 59 nghìn m2 rừng tại các địa bàn.

Từ đầu tháng 10 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 10 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 59 nghìn m2 rừng tại các địa bàn. Thời tiết hanh khô,  các địa phương tăng cường biện pháp phòng ngừa, tránh để “giặc lửa”  tấn công những “lá phổi xanh” của thành phố.

 

Vụ cháy tại núi Xuân Đào, thôn 5, xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên ngày 3-10 thiêu trụi 3.000 m2 rừng

1 ngày 3 lần xuất quân dập lửa

 

Sáng 12-11, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 50 (Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố) đang chuẩn bị hoạt động bắn đạn thật nằm trong chương trình huấn luyện chiến sĩ mới của đơn vị thì nhận được tin báo cháy tại khu vực điểm cao 125, đồi C6 giáp ranh 2 phường Vạn Sơn và Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn. Trung đoàn 50 liền huy động 500 cán bộ, chiến sĩ cùng 3 xe chở dụng cụ dập lửa tới nơi xảy ra cháy. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn làm chủ lực, phối hợp với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Biên phòng, Công an và lực lượng dân phòng của quận Đồ Sơn tham gia dập lửa. Sau hơn 1 giờ chữa cháy, ngọn lửa được khống chế, các lực lượng được phép trở về đơn vị. Tuy nhiên, tới 11 giờ cùng ngày, ngọn lửa lại bùng phát trở lại, khiến các lực lượng phải quay lại dập lửa. Lần này, được sự “giúp sức” của những cơn gió mạnh thổi từ biển vào, ngọn lửa bùng phát dữ dội, thiêu cháy khoảng 17.000m2 cây thông, keo tai tượng, cỏ tranh và thảm thực bì. Sau hơn 2 giờ tích cực triển khai các biện pháp toàn diện, ngọn lửa được dập tắt. Tới 14 giờ cùng ngày, một đám cháy khác lại bùng phát tại khu vực đồi C6 khiến lực lượng chữa cháy một lần nữa phải xuất quân dập lửa, lần này, ngọn lửa thiêu trụi 2.200m2 rừng.

 

Như vậy, chỉ trong 1 ngày, tại đồi C6, quận Đồ Sơn xảy ra 3 vụ cháy rừng, Ban chỉ đạo PCCC quận Đồ Sơn huy động hàng nghìn lượt người tham gia mới dập tắt được đám cháy. Thượng tá Tô Bá Khang, Chính ủy Trung đoàn 50 cho biết: “Ngày 12-11, trong 3 lần chữa cháy tại khu vực đồi C6, Trung đoàn 50 huy động hơn 1500 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia dập lửa”.

 

Theo thống kê của Phòng cảnh sát PCCC (Công an Hải Phòng), từ đầu tháng 10 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 10 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 59 nghìn m2 tại các địa bàn. Vụ cháy gây thiệt hại lớn nhất xảy ra tại núi Sơn Đào thuộc xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên. Mặc dù các lực lượng tích cực chữa cháy nhưng ngọn lửa đã kịp thiêu hủy hàng vạn cây của một sườn đồi rộng 3ha.

 

Cần chú trọng công tác phòng ngừa

 

Thượng tá Nguyễn Văn Họa, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC (Công an thành phố) cho biết: “23 nghìn ha rừng ở Hải Phòng phân bố rải rác trên những địa hình phức tạp, chủ yếu tập trung khu vực đồi núi. Mặt khác, rừng ở các địa phương xen kẽ khu dân cư, nhất là ở khu vực chung quanh triền đồi Thiên Văn (Kiến An), phường Vạn Hương (Đồ Sơn), Núi Đèo (Thủy Nguyên), các xã Hiền Hào, Xuân Đám, Vườn Quốc gia Cát Bà (Cát Hải). Trong quá trình sử dụng lửa sinh hoạt, sản xuất của người dân như đốt cỏ, dọn vườn nếu không kiểm soát dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng trầm trọng”.

 

Với đặc điểm độ dốc lớn, địa hình phức tạp, những đám cháy rừng trên địa bàn Hải Phòng gây rất nhiều khó khăn cho công tác dập lửa. Trung tá Nguyễn Minh Hòa, Đội trưởng Đội PCCC khu vực Sở Dầu thuộc Phòng Cảnh sát PCCC (Công an thành phố) kể lại: “Ngày 3-10-2010, đơn vị nhận được điện báo cháy rừng xảy ra ở núi Xuân Đào, thôn 5, xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên. Lập tức chúng tôi điều 3 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường. Tuy nhiên, đến cách chân núi 500m,  xe chữa cháy không thể đi tiếp vì địa hình quá hiểm trở, không có đường. Các lực lượng phải đi gần 1 giờ mới đến nơi xảy ra cháy để triển khai các biện pháp dập lửa. Lúc đó ngọn lửa đã thiêu trụi hơn 3.000 m2 rừng”.

 

Từ thực tế trên cho thấy công tác chữa cháy rừng khi ngọn lửa đã bùng phát gặp rất nhiều khó khăn, công tác phòng ngừa phải được quan tâm hàng đầu.

 

Hiện, nhiệm vụ PCCC rừng được giao cho lực lượng kiểm lâm làm chủ lực, tuy nhiên lực lượng kiểm lâm rất mỏng, hoạt động nghiệp vụ PCCC  còn nhiều hạn chế. Một trong các biện pháp kỹ thuật an toàn PCCC rừng cơ bản được các địa phương và Vườn quốc gia Cát Bà thực hiện là xây dựng các đường băng cản lửa trắng và đường băng cản lửa xanh. Đây là các khu vực được phát quang hoặc trồng các cây xanh, khó cháy để cản lửa khi xảy ra cháy tại các khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế, đường băng trắng ở các khu vực trọng điểm cháy như đồi Thiên Văn (Kiến An), đồi Đồ Sơn, đồi tại các xã Hiền Hào, Xuân Đám, Gia Luận…chưa bảo đảm tiêu chuẩn an toàn PCCC. Các đường băng này quá hẹp, nhiều đường băng đã lâu không được dọn dẹp dẫn tới lá khô phủ kín đường băng, không đủ khả năng ngăn chặn cháy lan.

 

Trong thời gian qua, nhiều địa phương có rừng tổ chức các hoạt động tập huấn nghiệp vụ, diễn tập chữa cháy rừng. Tuy nhiên, việc phòng, chống cháy rừng cần được triển khai thường xuyên, liên tục chứ không chỉ dừng lại ở việc diễn tập. Công tác phòng, chống cháy rừng cần đặc biệt chú trọng phòng ngừa, hạn chế tối đa các vụ cháy rừng.

 

Bài và ảnh: Việt Hòa

Đọc thêm