|
Nữ công nhân tại doanh nghiệp nước ngoài trong khu công nghiệp NOMURA Hải Phòng Ảnh: Hải Ngọc |
Năm 2009, Hải Phòng có 67 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 73 tỷ đồng. Mặc dù đã có chế tài xử phạt nhưng vẫn ở tình trạng “giơ cao đánh khẽ” nên chưa đủ sức răn đe đối với những đơn vị chây ỳ…
Người lao động chịu thiệt
Báo cáo tổng kết năm 2009 của BHXH thành phố đưa ra danh sách 67 đơn vị, phần lớn là doanh nghiệp nợ đọng BHXH. Trong đó có 46 doanh nghiệp nhà nước, 17 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 3 doanh nghiệp liên doanh và 1 doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH 6 tháng, dưới 12 tháng, hơn 12 tháng và điển hình là Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Hạ Long nợ BHXH đến… 36 tháng!
Không chỉ những doanh nghiệp nợ BHXH, số doanh nghiệp trốn BHXH được lãnh đạo BHXH Hải Phòng cho là... không đếm xuể. Theo thống kê sơ bộ, Hải Phòng có khoảng 17 nghìn đơn vị, doanh nghiệp, nhưng hiện tại, số doanh nghiệp đóng BHXH (kể cả những doanh nghiệp thường xuyên nợ BHXH) chỉ khoảng 5700 đơn vị. Các doanh nghiệp không nộp BHXH đồng thời không nộp BHYT. Vì vậy, khi doanh nghiệp không nộp BHXH, người lao động cũng sẽ không được hưởng bất kỳ chính sách bảo hiểm nào như BHYT, ốm đau, hưu trí, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất, lương hưu... như luật quy định. Như vậy, chỉ có người lao động chịu thiệt.
Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh
Giám đốc BHXH Hải Phòng Trương Văn Quý cho biết, theo Nghị định 135/CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính đối với những doanh nghiệp nợ BHXH quá hạn, trốn BHXH với mức phạt tối đa 20 triệu đồng. Nhưng xem ra, quy định này khó thực hiện, bởi cơ quan thu BHXH không có thẩm quyền xử phạt đối với doanh nghiệp mà phải nhờ Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Thế nhưng, nhiều năm nay, mặc dù BHXH đã lập danh sách báo cáo về những doanh nghiệp chây ỳ nộp BHXH hoặc trốn nộp BHXH, nhưng những doanh nghiệp này cũng chỉ bị nhắc nhở. Chế tài có, nhưng không có cơ quan chức năng thực hiện, dẫn đến doanh nghiệp vẫn xem việc nộp BHXH là việc tự nguyện hay không tự nguyện, chứ không phải trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Nghị định 02 của Chính phủ đã ban hành thêm một chế tài, nhằm răn đe những doanh nghiệp để quá hạn BHXH là tính lãi suất theo ngân hàng số tiền nợ của doanh nghiệp, nhưng Nghị định này cũng khó thực hiện bởi tiền gốc đòi còn khó, huống chi tiền lãi...! Về phía Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cũng gặp khó khăn không kém bởi với số cán bộ thanh tra quá mỏng, mỗi năm chỉ có khoảng 400/17.000 doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra do đó khó phát hiện kịp thời vi phạm của doanh nghiệp.
Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở
Biện pháp mạnh nhất hiện nay của cơ quan thu BHXH là gửi thư nhắc nhở, gửi báo cáo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về những doanh nghiệp nợ và trốn BHXH, nhưng biện pháp "giơ cao đánh khẽ" này không hiệu quả. Ngoài ra, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn, hoặc không thời hạn. Tuy nhiên, thời gian qua chưa có trường hợp nào bị xử phạt theo hình thức này. Điều 138 Luật Bảo hiểm xã hội quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng trong Bộ luật Hình sự lại không quy định tội danh liên quan đến bảo hiểm xã hội.
Sẽ khởi kiện doanh nghiệp cố tình chây ỳ
Đối với những trường hợp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội, cần thực hiện kiên quyết, có thể khởi kiện ra toà án dân sự. Đây là việc BHXH thành phố từ trước đến nay chưa tiến hành, nhưng trong năm 2010, BHXH thành phố sẽ khởi kiện doanh nghiệp cố tình chây ỳ, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Giải pháp cuối cùng là xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, đặc biệt sự phối hợp giữa ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và Bảo hiểm xã hội trong việc đôn đốc thu và thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội. Đồng thời tăng cường phối hợp với cơ quan cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp, cơ quan quản lý thuế, chủ động nắm bắt thông tin về lao động, việc làm, tiền lương của doanh nghiệp làm cơ sở để thực thi pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Thanh Thủy