Tình yêu “cha truyền con nối” với Việt Nam

Ông Alexey, sinh năm 1944, và anh Maxim, sinh năm 1980 (cả hai là công dân LB Nga). Họ có một điểm chung là giỏi tiếng Việt, hiểu sâu lịch sử, văn hóa, tập tục của người Việt, đều rất yêu đất nước Việt Nam. Hai người mang chung một họ hơi hiếm gặp ở Nga – Syunnerberg.

Ông Alexey, sinh năm 1944, và anh Maxim, sinh năm 1980 (cả hai là công dân LB Nga). Họ có một điểm chung là giỏi tiếng Việt, hiểu sâu lịch sử, văn hóa, tập tục của người Việt, đều rất yêu đất nước Việt Nam. Hai người mang chung một họ hơi hiếm gặp ở Nga – Syunnerberg. Vâng, họ chính là hai cha con. Một là phóng viên đặc biệt, nguyên Trưởng ban tiếng Việt của Đài Tiếng nói nước Nga. Một là giảng viên tiếng Việt của Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva (MGU) và Trường Đại học Quan hệ quốc tế Mátxcơva (MGIMO), Tiến sĩ về lịch sử Việt Nam.

Một buổi tối cuối tháng Tư ở trung tâm Hà Nội, Alexey Syunnerberg đã tâm sự với PV TTXVN về tình yêu “di truyền” và “gia truyền” của cha con ông đối với Việt Nam.

Mô tả ảnh.

Ông Alexey Syunnerberg và con trai Maxim (ảnh tư liệu gia đình)

Năm 1962, thi đậu vào Viện Các nước Á – Phi, MGU, Alexey buộc phải lựa chọn chuyên ngành tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Việt. Ông đã chọn phương án hai. “Ông có lúc nào thấy hối hận?”. Câu hỏi đùa này được Alexey tiếp nhận và trả lời hết sức nghiêm túc: “Không bao giờ. Ngược lại, tôi rất hạnh phúc. Tôi không nói xã giao. Hiện nay tôi có nhiều bạn ở Việt Nam hơn ở Nga, và ở Mátxcơva tôi cũng có nhiều bạn người Việt hơn người Nga”.

Quả thực, cộng đồng người Việt ở Nga mấy chục năm nay đã quá quen thuộc với một “ông Tây” có cái đầu sáng bóng và nói tiếng Việt “như ta”. Hầu như không có một hoạt động lớn, nhỏ nào của cộng đồng mà ông vắng mặt, dù ở Đại sứ quán hay tại chợ Vòm, trong “ốp” (ký túc xá) hay trong một nhà hàng Việt Nam nào đó. Hình ảnh mà mọi người ghi nhớ nhất là ông luôn kè kè bên người chiếc máy ghi âm “đặc chủng” to quá khổ của nhà đài, năng nổ tác nghiệp như phóng viên mới vào nghề và không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để tiếp cận các “yếu nhân”. Thực sự, mọi người đã coi ông như “người nhà”. Với các thế hệ PV TTXVN thường trú tại Liên Xô trước đây và LB Nga ngày nay ông là người đồng nghiệp tận tình, sẵn sàng chia sẻ thông tin một cách vô tư. Với các ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam tại LB Nga; Lê Ngọc Hường, Chủ tịch Hội Người Việt tại LB Nga; Nguyễn Bá Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp; Châu Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật; nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng... ông là người bạn Nga chân tình.

Năm 1967, tốt nghiệp đại học, như lẽ thường Alexey sẽ được sang Hà Nội để thực tập tiếng Việt một thời gian. Nhưng lúc đó đế quốc Mỹ đã đưa chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, các khóa thực tập của sinh viên nước ngoài tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều bị đình lại. Thế là ông mất cơ hội được tiếp cận với tiếng Việt, văn hóa Việt ngay trên đất Việt. Ông nói nửa đùa nửa thật rằng cho đến tận bây giờ ông vẫn chưa “tha thứ” cho nước Mỹ về chuyện này cho dù sau đó ông có tới 15 chuyến sang Việt Nam. Alexey tính chi li rằng dù nhiều lần đến Việt Nam nhưng thời gian sống ở “đất nước nụ cười” tổng cộng “tròm trèm bốn tháng”. Ông nói không che giấu sự “ghen tỵ”: “Trong khi con trai tôi tuổi đời ít hơn nhiều (dĩ nhiên) và chỉ ba lần sang Việt Nam (một lần bỏ tiền túi đi du lịch) nhưng thời gian lưu lại đã quá mấy lần. Chỉ riêng đợt thực tập năm 2000 cháu đã được ở Hà Nội tới những 10 tháng (ôi chà!)”.

44 năm làm việc ở đài (trước năm 1991 gọi là Đài Phát thanh Mátxcơva, bây giờ là Đài Tiếng nói nước Nga), thêm bốn năm học đại học, Alexey Syunnerberg tổng cộng có suýt soát nửa thế kỷ gắn bó với tiếng Việt, với Việt Nam. Ông nhớ lại: “Đoàn đại biểu Việt Nam sang Liên Xô có thời kỳ hầu như ngày nào cũng có. Tôi được tiếp xúc với rất nhiều đoàn, từ cấp rất cao đến các cấp thấp hơn, vì vậy có nhiều dịp cọ xát. Do đó mà tôi phát âm tiếng Việt tốt hơn Maxim cho dù cháu nắm ngữ pháp và hiểu lịch sử Việt Nam sâu hơn, chuyên ngành của cháu mà. Còn về sự “đam mê” Việt Nam thì chưa biết ai hơn ai”.

“Liệu có phải ông “nắn” cho Maxim thi vào khoa tiếng Việt?”. “Không phải, cháu quan tâm đến Việt Nam một cách tự nhiên, không do định hướng. Năm lên sáu tuổi, thấy tôi chuẩn bị đi công tác xa, Maxim nằn nì: “Cho con sang Việt Nam với”. Tôi không thể mang cháu đi cùng nên đành phải nói: “Sau này con sẽ tự sang Việt Nam, không cần phải “ăn theo” bố”. Tại sao cháu đòi đi? Vì trong nhà tôi có nhiều tranh, ảnh, đồ lưu niệm về Việt Nam, câu chuyện thường ngày của bố mẹ cũng về đất nước Việt, các vị khách thường xuyên của gia đình tôi cũng là người Việt…”.

Ông Alexey tự hào khoe rằng có hai vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam biết đến Maxim dù chưa một lần gặp mặt. Ngày 3/7/ 1980 là thời điểm kết thúc chuyến bay vũ trụ Xô – Việt. Cũng ngày hôm đó Alexey có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Đang trên đường đi thì ông được tin vợ sinh con trai đầu lòng (và cũng là duy nhất). Đồng chí Nguyễn Văn Linh nhận ra niềm vui không giấu được của người phóng viên Liên Xô và hỏi lý do. Rồi ông mở chai rượu vodka để chúc mừng “theo đúng phong tục Nga” và nói đùa rằng ông hy vọng “nhóc” lớn lên sẽ giỏi tiếng Việt như bố. Sáu năm sau đồng chí Nguyễn Văn Linh sang thăm lại Liên Xô, lúc này đã là trên cương vị Tổng Bí thư BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông nhận ra Alexey Syunnerberg và hỏi thăm về cậu con trai, rằng cậu đã kịp học từ tiếng Việt nào chưa. Còn Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sang thăm chính thức LB Nga tháng 10/2008. Nhà báo Alexey có dịp tiếp xúc và tặng Chủ tịch cuốn Từ điển Chủ đề Nga – Việt do Maxim biên soạn. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết mở ra xem và khen ngợi tác giả.

“Còn mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này của ông là gì?”. “Tôi mang theo tất cả những tư liệu mà tôi sưu tập được trong suốt 30 năm qua về các chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã tham gia bảo vệ Mátxcơva trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại”.

Theo Mekongnet

Đọc thêm