Trong cuộc đời, có những điều thật lạ lùng mà con người ta chỉ có thể lý giải được bởi sự sâu nặng và mãnh liệt của tình yêu. Suốt 11 năm chồng mất trí nhớ, người phụ nữ ấy đã miệt mài ngày đêm bên người chồng đi chữa trị khắp các bệnh viện. Và không gì khác- chính là sợi dây tình yêu, những cảm xúc tuyệt vời của những bản nhạc họ đã cùng nghe và dày lên theo năm tháng đã đưa ông trở lại với bà…
Chuyện của một người chồng
Thuở ấy, chàng trai Ngô Văn Vân vốn là học sinh miền Nam của trường số 24 Hải Phòng, sau đó là sinh viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông tham gia bộ đội phòng không với nhiệm vụ bảo vệ chiến trường cửa ngõ Đông Bắc Hà Nội- Hải Phòng.
Tình yêu của chàng sinh viên miền Nam và cô nữ sinh Hà Nội từ cái thưở ban đầu lưu luyến đó đã gặp khá nhiều trắc trở vì gia đình không muốn con gái dặm trường. Thế nhưng, cô nữ sinh Bích Liên chẳng hề nản lòng - tình yêu đã đưa họ đi qua những năm tháng gian khổ, ác liệt của chiến tranh.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về quê nhà với vai trò Phó Chủ tịch tỉnh Minh Hải, rồi lên quyền Chủ tịch tỉnh năm 1975. Bà Bích Liên được phân công làm Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp dệt Minh Hải.
Suốt những năm tháng công tác đó, ông gặp phải sự lận đận, trớ trêu của số phận. Thế nhưng, tất cả những câu chuyện đó không làm ông nản lòng. Ông luôn làm tròn trách nhiệm của mình, nhưng sức khỏe đã không chiều lòng người.
Ông đau ốm triền miên. Những ngày tháng đó, không thể kể hết những cơ cực, vất vả khi bà Liên vừa bảo đảm công tác, vừa chăm sóc má chồng nằm liệt một chỗ và dạy dỗ hai con học hành, rồi lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho ông.
Tai họa một lần nữa lại ập đến với ông: Sau khi về hưu được 2 năm, năm 2001 ông cảm nhận rõ mình đang thay đổi hẳn. “Tôi không tha thiết trò chuyện hay vui cười như trước. Trong tôi luôn có một mối lo vô hình nào đó đang đè nặng. Tôi cứ ngồi thẩn thờ và trời càng về đêm thì trong lòng cứ day dứt, không tài nào chợp mắt được”- ông kể.
Rồi ông đã bị mất trí nhớ hoàn toàn, ngay cả vợ con, người thân cũng không nhận ra.
Và tình yêu ấy vẫn còn nguyên ở đó…
Suốt 11 năm ròng rã ông bệnh, ngày cũng như đêm, bà chẳng thể rời ông và cũng không trọn một giấc ngủ ngon. Thế nên, có thời điểm cam go chiến đấu với bệnh tật của ông, người phụ nữ ấy chỉ còn 30 kg. Vậy mà, với niềm tin và sức mạnh của tình yêu, bà luôn tin rằng ông sẽ trở lại với bà, cứ đi rồi sẽ tới…
Năm 2007, ông bà chuyển lên ở quận Tân Phú, T.P Hồ Chí Minh để tiện chữa bệnh. Bà lại càng vất vả, gian nan. Ngày nào cũng vậy, với tấm thân gầy guộc, ốm yếu, bà ôm dìu ông xuống từng bậc thang rồi chở bằng chiếc xe gắn máy cà tàng đến Bệnh viện Thống Nhất để châm cứu.
Vất vả đến mấy bà vẫn cắn răng chịu đựng và luôn động viên để lấy lại niềm tin, sự lạc quan cho chồng. Bà Bích Liên tâm sự:
“Khi vui vẻ có nhau thì gian khổ bệnh tật thì càng không thể bỏ nhau vì tình nghĩa vợ chồng vô cùng sâu nặng. Trước đây khi còn khỏe mạnh, hai vợ chồng cứ tối đến ăn uống xong xuôi lại ngồi đàn hát cho nhau nghe”...
Rồi bỗng một hôm, bà nghĩ đến chuyện dùng âm nhạc để phục hồi trí nhớ cho chồng. Sau khi châm cứu trở về, lo cơm nước cho chồng con ăn xong, bà đem đàn ra đàn bài “Ru con” và bài “Nam Bộ kháng chiến” mà thời còn học sinh miền Nam ông vẫn biểu diễn.
Rồi những bản sonat tuyệt đẹp mà ông bà cùng chia sẻ suốt những năm tháng chồng vợ êm đềm. Thế rồi, mấy năm dài đằng đẵng, trưa, tối nào bà cũng lặng lẽ ngồi bên giường đánh đàn cho chồng nghe.
“Đầu năm 2012, đang mê man, tôi bỗng nghe văng vẵng bên tai bản nhạc “Ru con” và bài “Nam bộ kháng chiến”. Sau đó, tôi thấy người mình dần nóng lên. Tôi cử động bàn tay và mở mắt. Người đầu tiên tôi nhận ra đó chính là người vợ hiền thân thương và ấm áp quá đỗi đang nghẹn ngào nhìn tôi.
Tôi không còn thấy đau đầu nữa. Mắt sáng hơn. Tôi ôm vợ và chúng tôi cùng khóc. Chúng tôi khóc cho những gian truân òa vỡ, cho niềm hạnh phúc sâu nặng đong đầy…
Thật diệu kỳ! Tình yêu và niềm tin, hy vọng của vợ tôi gửi vào tiếng đàn đã được đền đáp lại một cách xứng đáng”- ông bồi hồi xúc động.
Tổ ấm thân yêu của ông bà giờ đây luôn vang lên tiếng đàn nhị của ông và giọng hát Then của bà hòa lẫn tiếng khóc oe oe của đứa cháu nội... Cuộc đời luôn là như vậy, luôn có những điều đẹp đẽ và kì diệu cho những hồi sinh khi ta đặt tất cả niềm tin, sự nâng niu và tình yêu vào đó…
Hà My